Tạo dựng ý tưởng khởi nghiệp
Mục tiêu của Đề án, phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 90% HS,SV trên cả nước được trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp; định hướng đến năm 2025, 100% sinh viên các trường đại học, cao đẳng được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp từ năm thứ nhất. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp hỗ trợ nguồn vốn cho các chương trình, dự án khởi nghiệp của HS,SV…
Cụ thể như Bộ đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghiên cứu, lồng ghép đưa môn học khởi nghiệp vào chương trình chính khóa theo hình thức tự chọn hoặc bắt buộc. Xây dựng quỹ hỗ trợ khởi nghiệp tại các nhà trường từ nguồn kinh phí xã hội hóa, hỗ trợ tìm kiếm nguồn kinh phí, kết nối, thu hút đầu tư từ các cá nhân, tổ chức đối với các dự án được hình thành từ các ý tưởng khởi nghiệp… với tổng kinh phí thực hiện Đề án là 239 tỷ đồng.
Đặc biệt, để thúc đẩy, hình thành các dự án kinh doanh, dự án khởi nghiệp của HS,SV, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ nhất 2018. Cuộc thi thu hút được hơn 200 dự án dự thi của hơn 3.000 HS,SV-cán bộ giáo viên từ hơn 200 trường đại học, cao đẳng, Trung cấp, THPT trên toàn quốc tham gia. Các ý tưởng khởi nghiệp được tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực, công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp; giáo dục và đào tạo; y tế; dịch vụ, du lịch; khoa học, công nghệ…
Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh-sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Các dự án giành giải thưởng của cuộc thi đều có tính sáng tạo và có tính ứng dụng cao vào thực tiễn như: Dự án Hệ sinh thái kết nối vạn vật của sinh viên Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Dự án Sản xuất cao điều trị bỏng của học sinh Trường THPT Phúc Trạch (Hà Tĩnh); Dự án Sản xuất phân phối sản phẩm từ lá thông phục vụ đời sống của học sinh Trường THPT Chu Văn An (Lâm Đồng)...
Mở ra cơ hội việc làm
Một trong những Dự án điển hình là Dự án “Cao nguyên đá nở hoa” của nhóm sinh viên Trường Đại học Dược Hà Nội đã đạt giải Ba tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2018. Đây là một dự án cộng đồng nhằm phát triển sinh kế cho đồng bào vùng dân tộc, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, khai thác được tối đa tiềm năng phát triển văn hoá du lịch ở khu vực núi đá tỉnh Hà Giang. Dự án đã đưa ra ý tưởng xây dựng các điểm dừng chân trên cung đường di chuyển nhằm phục vụ khách du lịch nghỉ ngơi, ngắm cảnh, kết nối với sử dụng các sản phẩm từ dược liệu của người dân địa phương.
Dự án đã tạo công ăn việc làm cho 5 thanh niên DTTS của địa phương và hơn 10 lao động mùa vụ. Bên cạnh đó, Dự án còn kết nối với các HTX Dược liệu trong Liên hiệp phát triển Dược liệu tỉnh Hà Giang và các công ty dược liệu hỗ trợ phân phối sản phẩm ở các tỉnh thành như: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương… góp phần tiêu thụ sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân.
Có thể thấy, với những kết quả đạt được sau gần 2 năm thực hiện Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” đã mang lại những tín hiệu đáng mừng. Từ những ý tưởng khởi nghiệp ban đầu của HS,SV đang ngồi trên ghế nhà trường đã được áp dụng vào thực tế cuộc sống và mang lại hiệu quả tích cực.
THÚY HỒNG