Hội nghị được kết nối trực tuyến tới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; 94 đồng chí Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; đại diện 16 hiệp hội doanh nghiệp, 19 tập đoàn, doanh nghiệp lớn.
Đây là sự kiện tiếp nối cuộc làm việc trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với các Tham tán, Tùy viên thương mại ở nước ngoài được tổ chức cách đây đúng 1 tháng, ngày 19/8/2022. Các hội nghị, cuộc làm việc này được triển khai ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 về công tác ngoại giaokinh tế phục vụ phát triển đến năm 2030.
Hội nghị sẽ tập trung trao đổi, đánh giá thời cơ và thách thức trong tình hình hiện nay, đặc biệt là những cơ hội Việt Nam cần tranh thủ, khai thác nhất là xuất khẩu, đầu tư, du lịch nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; từ đó đề xuất các biện pháp để đẩy mạnh hoạt động ngoại giao kinh tế ở cả trong và ngoài nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại, cách đây 9 tháng, ngày 14/12/2021, tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, các đại biểu đã trao đổi về phương hướng ngoại giao phục vụ phát triển. Trong 9 tháng qua, tình hình thế giới đã diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ, tác động, ảnh hưởng sâu sắc, trên nhiều phương diện đến kinh tế toàn cầu và từng quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp cả nước, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục ổn định và khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực.
Trong xu hướng chung của thế giới là tăng trưởng thấp, lạm phát cao, đến thời điểm này, Việt Nam đạt tăng trưởng cao và lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, trong đó tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đến hết tháng 8 đạt khoảng 500 tỷ USD. Đời sống nhân dân ổn định và được nâng lên, an sinh xã hội được quan tâm; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Đối ngoại, hội nhập quốc tế được tăng cường và đẩy mạnh, phù hợp với tình hình thế giới, các quan điểm của Việt Nam trước các vấn đề quốc tế được bạn bè, đối tác quốc tế chia sẻ, đồng tình, uy tín quốc tế của Việt Nam được nâng lên. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao về tình hình và triển vọng phát triển của Việt Nam; Nikkei đánh giá Việt Nam xếp thứ 2 toàn cầu về chỉ số phục hồi COVID-19.
Đóng góp vào thành tựu chung đó của đất nước có sự nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt triển khai nhiệm vụ của ngành ngoại giao nói chung và của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nói riêng. Trong đó, chúng ta đã triển khai rất thành công chiến lược vaccine, với chiến dịch ngoại giao vaccine có sự đóng góp quan trọng của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; xác định tình hình có khó khăn, thách thức và cơ hội, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến, tác động của tình hình.
Thủ tướng nhắc lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh “ngoại giao phải luôn luôn vì lợi ích dân tộc mà phục vụ”. Việt Nam kiên trì, nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Chúng ta đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá.
Đại hội XIII của Đảng xác định: “Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Khai thác tối đa vị thế quốc gia và nguồn lực bên ngoài để phục vụ phát triển đất nước”.
Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư tiếp tục xác định: “Ngoại giao kinh tế là một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam, một động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững…”.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu phát huy trí tuệ, thảo luận, tập trung đánh giá kỹ tình hình, nhận định thời cơ và thách thức, đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể, thiết thực đẩy mạnh kịp thời các hoạt động ngoại giao kinh tế ở cả trong và ngoài nước, ở các cấp, các ngành, nêu những tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác nói chung và ngoại giao kinh tế nói riêng.
Trong bối cảnh các thị trường lớn của Việt Nam đều có xu hướng thu hẹp, các cơ quan đại diện Việt Nam cần phát huy hơn nữa vai trò của mình với tinh thần “trong nguy có cơ” để góp phần khắc phục các khó khăn tại các thị trường lớn, đồng thời mở rộng các thị trường khác, góp phần vào thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư, đa dang hóa chuỗi cung ứng…, nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực phục vụ phục hồi và phát triển đất nước./.