Chương trình gặp gỡ, đối thoại có sự tham gia của 4.500 công nhân lao động tại điểm cầu chính tỉnh Bắc Giang và 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Cùng dự buổi đối thoại có lãnh đạo các bộ, ban ngành và lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế, hiệp hội ngành nghề…
Chương trình là diễn đàn để đoàn viên, công nhân lao động được gặp gỡ, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng kiến nghị, đề xuất những vấn đề liên quan đến việc làm, đời sống với người đứng đầu Chính phủ; được Thủ tướng Chính phủ lắng nghe, thấu hiểu, chỉ đạo giải quyết các vấn đề được nêu và truyền thông điệp tới người lao động cả nước.
Có 10 nhóm vấn đề được công nhân kiến nghị: vấn đề tăng lương tối thiểu; sửa đổi chính sách bảo hiểm theo hướng tạo được niềm tin lâu dài để người lao động gắn bó với bảo hiểm xã hội (BHXH), hạn chế tình trạng rút BHXH 1 lần. Chỉ đạo đôn đốc giải quyết các chính sách, trong đó quan trọng là chính sách hỗ trợ khi bị ảnh hưởng do Covid-19; hỗ trợ học sinh mầm non là con của công nhân lao động ở các khu công nghiệp (KCN) theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP; hỗ trợ tiền thuê nhà theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó nhóm vấn đề được công nhân quan tâm và đặt nhiều câu hỏi nhất là nhu cầu bức thiết về nhà ở, trường học và các thiết chế công đoàn hỗ trợ đời sống công nhân; khám chữa bệnh, tiền lương ngoài giờ cho công nhân lao động…
Người lao động cũng bày tỏ nguyện vọng về các vấn đề hỗ trợ tín dụng cho công nhân, khi có tín dụng tốt sẽ hạn chế được tình trạng vay "tín dụng đen"; vấn đề học nghề, đào tạo nghề và mong muốn được học nghề rất lớn trong công nhân lao động; xử lý doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động như không ký hợp đồng lao động, nợ lương, nợ BHXH; các vấn đề liên quan đến khám chữa bệnh; bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là bếp ăn và các điểm chợ quanh KCN; bảo đảm an ninh, an toàn tại nơi ở, nơi làm việc, nhất là tại các KCN, khu nhà trọ tập trung đông công nhân lao động; an toàn giao thông tại các khu công nghiệp tại các khu công nghiệp vào các giờ cao điểm.
Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đơn vị liên quan trao đổi, trả lời, làm rõ những ý kiến, kiến nghị của người lao động.
Phát biểu tại Chương trình gặp gỡ, đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ với đội ngũ công nhân những khó khăn, vất vả đang trải qua, đặc biệt là chống đỡ với dịch Covid-19 và hậu Covid-19 đang diễn ra ảnh hưởng lớn đến công ăn việc làm, nhà ở. Mong muốn các ý kiến của đội ngũ công nhân trao đổi trên tinh thần thẳng thắn, chân thành. Qua đó để các bộ, ban, ngành liên quan tìm ra giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn và nguyện vọng của đội ngũ công nhân để tìm ra mục tiêu vì hạnh phúc ấm no của Nhân dân; vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh. Đây là những mục tiêu cao cả của Đảng, nhà nước ta. Đề nghị các địa phương giải quyết sớm nhất các chế độ chính sách hỗ trợ công nhân và thân nhân sau ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nhân dịp này, Tổng Liên đoàn Lao động tổ chức ra mắt Chương trình “Giờ thứ 9+”. Thủ tướng Chính phủ tặng quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang; đi thăm, động viên, tặng quà cho công nhân tại các khu nhà trọ và nhà ở xã hội.
Được biết từ năm 2016 đến nay đã 5 lần Thủ tướng Chính phủ đối thoại với công nhân lao động. Chương trình lần này là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các hoạt động sôi nổi của Tháng Công nhân năm 2022, qua đó tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người sử dụng lao động và cộng đồng xã hội đối với công nhân lao động.
Tiếp tục triển khai chương trình Công đoàn đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển bền vững đất nước, chăm lo đời sống, việc làm cho đoàn viên, người lao động. Đồng thời, khẳng định quyết tâm, khát vọng của công nhân lao động tích cực thi đua lao động sáng tạo, nâng cao năng suất, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước…