Nhiều chính sách cho vùng Tây Nguyên
Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, có diện tích tự nhiên hơn 54.600km2. Dân số Tây Nguyên có khoảng 6 triệu người, với 54 dân tộc cùng sinh sống (có 12 dân tộc thiểu số tại chỗ), trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) khoảng 2,2 triệu người.
Suốt chiều dài lịch sử chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng bào DTTS ở Tây Nguyên một lòng đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, một lòng đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã chọn. Đồng bào DTTS Tây Nguyên đã đóng góp một phần rất lớn và khẳng định vai trò rất quan trọng trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Sau khi đất nước thống nhất, non song liền một dải, Nhân dân được sống trong cuộc sống thái bình, đồng bào các DTTS Tây Nguyên đã đoàn kết một lòng, cùng nhau vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Nhận thức rõ được tâm tư, nguyện vọng và ý chí khao khát vươn lên của đồng bào các DTTS vùng Tây Nguyên, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, ban hành nhiều chủ trương, chính sách, tìm mọi phương án để làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững và phát triển mọi mặt đời sống xã hội của vùng đồng bào DTTS, cụ thể: Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 10, ngày 18/01/2002 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2010 và Kết luận số 12, ngày 24/10/2011 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2010 và thời kỳ 2011 – 2020; Nghị quyết số 74, ngày 20/11/2018 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV về việc giao Chính phủ xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn; Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719, ngày 14/10/2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021-2025...
Với tinh thần đó, các tỉnh Tây Nguyên đã cụ thể hóa chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước thành các chương trình hành động, chính sách, đề án, dự án phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Chẳng hạn như: Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Nghị quyết số 14, ngày 8/10/2018 về “Phát triển vùng đồng bào DTTS tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030”; Tỉnh ủy Gia Lai và Tỉnh ủy Kon Tum triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”… Ngoài ra, các tỉnh Tây Nguyên thường xuyên triển khai thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ cho các hộ đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội.
Chính từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương và tinh thần đoàn kết của các dân tộc vùng Tây Nguyên, hạ tầng kinh tế - xã hội một số địa phương đã có sự phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng trong vùng và cả nước; quy mô kinh tế của vùng tăng nhanh, năm 2020 gấp hơn 14 lần năm 2002 và 3,1 lần năm 2010. Giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của tỉnh Đắk Lắk là 9,13%/năm; tỉnh Kon Tum là 9,7%/năm; tỉnh Gia Lai là 7,93%/năm; tỉnh Đắk Nông là 8,02%/năm; tỉnh Lâm Đồng là 8,0%/năm.
Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỉ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Du lịch có bước phát triển khá, hình thành các chuỗi phát triển du lịch liên vùng, đang trở thành vùng du lịch sinh thái - văn hoá có sức hấp dẫn. Giá trị văn hoá các dân tộc được bảo tồn, kế thừa và phát huy. Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa. Khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố; niềm tin của đồng bào các dân tộc vùng Tây Nguyên đối với Đảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường.
Động lực để Tây Nguyên phát triển
Trước những thành quả đạt được và những khó khăn, tồn tại của vùng Tây Nguyên, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23, ngày 06/10/2022 “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây được xác định là Nghị quyết đem lại thời cơ và động lực để các tỉnh Tây Nguyên phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời kỳ chiến lược mới.
Nghị quyết số 23 cũng quan tâm đặc biệt đến đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên, đó là: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống tốt đẹp, các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu các dân tộc Tây Nguyên; duy trì và xây dựng không gian công cộng trong buôn, làng dành cho hoạt động văn hóa cộng đồng gắn với nhà rông, nhà dài, lễ hội cồng chiêng. Tiếp tục giải quyết có hiệu quả đất ở, đất sản xuất cho người dân, nhất là đồng bào DTTS. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nhân lực đồng bào DTTS tại chỗ, coi đây là một trong những khâu đột phá cho sự phát triển nhanh và bền vững của vùng...
Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 152, ngày 15/11/2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị. Chương trình với bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; 23 nhiệm vụ cụ thể, chín dự án đầu tư và hạ tầng giao thông kết nối; phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện. Phấn đấu đạt mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt từ 7 đến 7,5%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1 đến 1,5%/năm. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng/năm; tỷ lệ đô thị hóa đạt đến 40,7%, xã đạt nông thôn mới khoảng 85%; tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 47%... Nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, kinh tế rừng… được xác định là những “trụ cột” trong phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên.
Ngày 11/7/2023, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 827 thành lập Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên được kỳ vọng đem lại sự đổi mới mạnh mẽ về cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Giải pháp căn cơ phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững chính là từng địa phương phải đổi mới tư duy về liên kết vùng, nội vùng. Cần xác định “tư duy liên kết” là bộ phận không thể tách rời của “tư duy phát triển”. Việc liên kết, hợp tác phát triển giữa 05 tỉnh Tây Nguyên sẽ tạo động lực, sức mạnh tổng hợp để hỗ trợ nhau phát triển và giải quyết các vấn đề mang tính quốc gia, toàn cầu.
Nghị quyết số 23, một Nghị quyết trao cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra cho Tây Nguyên nhiều nhiệm vụ lớn. Để hoàn thành những nhiệm vụ lớn, rất cần tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên và sự chung sức đồng lòng của Nhân dân. Có như vậy, mới đạt được mục tiêu của Nghị quyết đề ra là phấn đấu đến năm 2045 Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước.