Năm 2011, gia đình bà Ma Siêu, dân tộc Chu Ru, ở thôn Ma Bó, xã Đa Quyn mua 1 con bò giống với giá gần 10 triệu đồng. Nhờ chăm sóc, phòng bệnh tốt, con bò sinh sản liên tục. Sau 7 năm, đàn bò của bà Ma Siêu phát triển lên 12 con bò.
Những năm tiếp theo, năm nào gia đình bà Ma Siêu cũng bán từ 4 đến 6 con bò, với giá bình quân khoảng 20 triệu đồng/con. Hiện tại, bà Ma Siêu có đàn bò 23 con. Từ một hộ nghèo, nhờ chăn nuôi bò, gia đình bà Ma Siêu vươn lên thoát nghèo, kinh tế phát triển.
Bà Ma Siêu vui vẻ cho biết: “Ở đây chăn nuôi bò rất thuận lợi, ngoài đồng cỏ rộng lớn, mình còn trồng thêm cỏ nên nguồn thức ăn cho bò đảm bảo. Hơn nữa, mình cứ làm theo cán bộ Khuyến nông hướng dẫn là đàn bò phát triển tốt. Nếu mà mình không chăn nuôi bò thì khó thoát nghèo lắm. Từ ngày có bò bán, mình có tiền lo cho các con được ăn học đầy đủ và trang trải cuộc sống”.
Bên cạnh những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, hiện ở xã Đức Trọng đã có nhiều chủ hộ là đồng bào DTTS mạnh dạn đầu tư theo hướng trang trại, quy trình khép kín, thậm chí đẩy mạnh phát triển mạnh nuôi bò siêu thịt hiệu quả kinh tế cao.
Anh Dụng Minh Trưởng, dân tộc Chăm, ở thôn Phú Ao, xã Tà Hine chia sẻ: “Nuôi bò giúp gia đình giải quyết được nguồn nhân công nhàn rỗi. Mình nuôi bò được 2 năm nay. Vừa rồi, mình có bán 6 con được hơn 200 triệu đồng. Nhờ nuôi bò nhốt chuồng nên mình tận dụng được nguồn phân để bón cho trên 1ha trồng rau màu các loại”.
Được biết, cách đây 5 năm, tổng đàn bò của 3 xã vùng DTTS của huyện Đức Trọng là Đa Quyn, Tà Năng và Tà Hine chỉ có trên 2.500 con thì hiện nay đã phát triển lên 8.000 con. Nhiều địa phương đã thành lập được Tổ hợp tác chăn nuôi bò, tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân trong vùng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau.
Bà Ma Vương Nai Huyền, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Hine cho biết, hằng năm, xã mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi bò cho bà con, hướng dẫn bà con chọn bò giống, làm chuồng trại đảm bảo, các biện pháp phòng chống dịch, nhất là vào mùa mưa bò dễ bị bệnh, có cách phòng bệnh tốt; duy trì và mở rộng diện tích trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn. Ngoài ra, chính quyền địa phương tạo điều kiện thông qua các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để bà con nông dân có điều kiện đầu tư chăn nuôi bò, mở rộng quy mô chăn nuôi bò theo hướng trang trại.
“Trong quá trình chăn nuôi bò, chúng tôi cũng khuyến cáo các hộ chăn nuôi với quy mô và số lượng lớn phải làm chuồng trại xa khu dân cư, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường... Từ chăn nuôi bò, các hộ có nguồn phân chuồng để bón cho các loại cây trồng. Nhờ chăn nuôi kết hợp trồng trọt nên đời sống kinh tế - xã hội của bà con nông dân vùng DTTS có bước phát triển”, bà Huyền chia sẻ.