Vài năm gần đây, đến bất kỳ phum sóc nào của Ấp Srây Skốt (có 100% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống) cũng nghe thấy tiếng khung cửi rộn ràng. Từ bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của người phụ nữ Khmer, nhiều sản phẩm thổ cẩm Khmer đã có mặt ở nhiều nơi trên đất nước và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Được biết, làng nghề dệt thổ cẩm Khmer Srây Sakốth hiện có 25 thợ dệt hoa văn và họa tiết phức tạp, 118 thợ dệt các sản phẩm đơn giản. UBND tỉnh cũng đã công nhận 2 nghệ nhân và 1 thợ giỏi.
Theo ông Chau Rắck Sa Nây, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Tịnh Biên, trong số 2 nghệ nhân, bà Neáng Nhây là người cao niên nhưng rất tâm huyết gìn giữ làng nghề. Với lòng say mê nghề truyền thống, quyết không từ bỏ trước khó khăn; chính bà Neáng Nhây đã hướng dẫn cho hàng trăm chị em nghề dệt, vừa giải quyết công ăn việc làm vừa để nghề truyền thống không bị thất truyền. Đồng thời, chính bà đã đưa “Làng nghề dệt thổ cẩm Khmer Srây Sakốth” chuyển sang bước tiến mới, nhiều loại sản phẩm xuất sắc giới thiệu qua hội chợ, triển lãm khu vực và phạm vi cả nước. Từ đó, sản phẩm thổ cẩm Srây Sakốth cũng được nhiều nước biết đến.
Cùng với nỗ lực của các nghệ nhân, chính quyền địa phương cũng đã có nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ để đưa nghề dệt truyền thống của người Khmer phát triển. Đến nay, làng dệt Văn Giáo đã thành lập hợp tác xã (với 70 hộ, 143 thợ dệt đã học nghề dệt thổ cẩm) để liên kết sản xuất, giới thiệu sản phẩm hàng hóa ra thị trường trong, ngoài nước.
Thổ cẩm Văn Giáo rất đa dạng, phong phú về mẫu mã, màu sắc hài hòa, hoa văn sắc sảo, chủ yếu là mặt hàng xà rông, khăn choàng cổ, phông màn cửa, các loại khác theo đặt hàng.... Một trong những bí quyết tạo màu sắc đẹp, chất lượng cao là các nghệ nhân làng nghề đã dùng chất liệu từ tự nhiên để chế thuốc nhuộm, nhờ đó làm cho lụa óng ả mượt mà không bị đổ lông.
Một điều khiến cho du khách trong, ngoài nước ưa thích thổ cẩm Văn Giáo là ở sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại trên từng họa tiết hoa văn, màu sắc của tấm vải dệt. Chủ đề trang trí bức thổ cẩm thường là hình ảnh ngôi chùa, hoa, lá, hoặc hình tượng Đức Phật... Cách thức phối màu, đượm màu cho từng lọn tơ dệt rất tỉ mỉ, nghệ nhân dệt phải biết hình dung sẵn hoa văn, họa tiết cần tạo hình trên tấm dệt để những sợi tơ luồn đúng cách thức với nhau, phù hợp, sắc nét. Mỗi tấm thảm dệt, tùy theo khuôn khổ, nhìn chung phải tốn nửa tháng hoặc cả tháng mới hoàn thành xong một chiếc khăn hay xà rông...
Chị Néang Sa Mol, thành viên Hợp tác xã dệt tâm sự: “Tôi làm nghề dệt này lâu lắm rồi, của ông bà để lại, nghề dệt trước đây lận đận mấy phen, hiện nay thì đỡ, mỗi ngày thu nhập cũng được 40-50 ngàn đồng. Nghề này tốn công và đòi hỏi sự kiên nhẫn, đổi lại người ta thích mua mình cũng vui, mong rằng, sau này người làm thợ dệt sẽ có thu nhập cao hơn”.
Tùy vào trình độ tay nghề của mỗi người, với người có tay nghề cao thuần thục trong thao tác dệt thì có thu nhập cao hơn. Những người phụ nữ có tay nghề giỏi như chị Néang Sa Mol có thể dệt được những sản phẩm thổ cẩm cao cấp và loại tốt nhất, với giá 1,2 triệu đồng/cái, mỗi tháng trừ chi phí chỉ, màu chị còn hưởng lợi khoảng 5-6 triệu đồng.
Có thể nói, từ khi được đầu tư khôi phục từ các dự án, chính sách của Nhà nước làng nghề dệt thổ cẩm Văn Giáo đã nhanh chóng hồi sinh và phát triển, góp phần giúp cho bà con đồng bào Khmer Văn Giáo không chỉ thoát nghèo bền vững, mà nhiều hộ còn bảo tồn giữ gìn nghề truyền thống.
Tôi làm nghề dệt này lâu lắm rồi, của ông bà để lại, nghề dệt trước đây lận đận mấy phen, hiện nay thì đỡ, mỗi ngày thu nhập cũng được 40-50 ngàn đồng. Nghề này tốn công và đòi hỏi sự kiên nhẫn, đổi lại người ta thích mua mình cũng vui, mong rằng, sau này người làm thợ dệt sẽ được thu nhập cao hơn”.Chị Néang Sa Mol, thành viên hợp tác xã dệt
PHƯƠNG NGHI