Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, từ đêm 7/9 đến nay, trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc có mưa to đến rất to. Mưa to kèm lũ các sông, suối dâng cao đã gây nhiều thiệt hại cho các địa phương. Đến thời điểm này, Lào Cai là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất về người và tài sản do mưa lũ gây ra.
Sáng 10/9, theo báo cáo từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, trong 3 ngày từ (7 đến ngày 9/9), mưa lũ, sạt lở đã làm 19 người chết; 11 người mất tích; 21 người bị thương. Tổng số nhà ở bị ngập nước, sạt lở, lũ cuốn trôi... là 4.067 nhà (con số này còn có thể tiếp tục tăng do nhiều khu vực của thành phố Lào cai, huyện Bát Xát, huyện Bảo Thắng, huyện Bảo Yên, huyện Bắc Hà bị ngập đang tiếp tục thống kê xác định được mức độ thiệt hại).
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 46 xã, 85 thôn bản đang bị cô lập do đường giao thông bị ngập nước, sạt lở; khoàng 2.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại... Nhiều tuyến đường giao thông, công trình công cộng như điện, trường, trạm bị hư hỏng. Ước thiệt hại ban đầu trên 100 tỷ đồng.
Còn tại tỉnh Yên Bái, mưa lũ trong mấy ngày qua cũng đã gây nhiều thiệt hại. Cụ thể, đến thời điểm này đã có hàng chục người chết và bị thương; hơn 6.000 nhà dân bị hư hỏng, trên 2.700 ha cây trồng bị ảnh hưởng đổ gãy; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, sụt lún gây sách tắc cục bộ… ước thiệt hại lến tới hàng chục tỷ đồng.
Có thể thấy, sức tàn phá của thiên tai trong những ngày qua hết sức nặng lề và có lẽ con số thiệt hại sẽ không dừng lại bởi theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Lào Cai, toàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to với lượng mưa tích lũy từ 40 - 60 mm, có nơi trên 80 mm. Điều nguy hiểm hơn đó là mô hình độ ẩm đất toàn tỉnh đã gần bão hòa (95%), nhiều nơi đã đạt bão hòa; chính vì vậy, cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy đã lên cấp 3…
Còn vùng hạ lưu như các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Hà Nội… sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng do lũ sông Hồng lên cao. Riêng thành phố Yên Bái từ đêm ngày 9 đến ngày 10/9 khoảng 70% địa bàn dân cư đã bị ngập sâu trong nước lũ.
Trong những ngày này, cả hệ thống chính trị và người dân các tỉnh vùng thiên tai đã và đang dồn lực khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ “dầm mưa” để di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn cũng như tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an dầm mình trong mưa lũ không kể ngày đêm tiếp tục tô thắm truyền thống “Bộ đội cụ Hồ”.
Trong thiên tai, truyền thống đoàn kết, tương trợ lại được thắp sáng hơn bao giờ hết. Dù đối mặt với sự khắc nghiệt, nguy hiểm luôn vây quanh nhưng những hành động đầy tình người và sự đoàn kết đã thắp lên hy vọng và sưởi ấm lòng mọi người trong cơn hoạn nạn. Những ngày qua, thành phố Lào Cai nhiều nơi bị ngập nặng, mất điện, mất nước… nhiều gia đình sẵn sàng giành nhà xưởng, đóng cửa hàng quán để làm nơi cho bà con tránh trú tạm; hàng nghìn xuất ăn, nước uống; hàng tấn rau quả, thực phẩm được phát miễn phí đến tay bà con…
Mưa lũ, thiên tai dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp, bên cạnh sự vào cuộc của hệ thống chính trị, người dân vùng lũ rất cần sự sẻ chia của cộng đồng với tinh thần “lá lành đùm lá rách” để sớm ổn định cuộc sống. Rồi đây, khi mưa dứt, lũ rút sẽ còn rất nhiều việc phải làm như vệ sinh tiêu trùng khử độc phòng chống dịch bệnh, khắc phục sửa chữa nhà cửa, công trình công cộng… Nhưng, với tinh thần đoàn kết, vượt khó tin rằng các địa phương vùng Tây Bắc sẽ sớm vượt qua.