Những “điểm nóng” trong mùa mưa bão
So với các địa phương khác thuộc vùng Trung Bộ, Nghệ An đứng ở vị trí đầu bảng về những điểm sạt lở, sụt lún, ngập úng… do mưa lũ gây ra. Toàn tỉnh hiện có hàng trăm vị trí sạt lở, sụt lún…trải dài từ miền núi đến đồng bằng, đe dọa đến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân, những “điểm nóng” ấy đã trở thành nỗi ám ảnh khi mùa mưa bão về.
Trò chuyện cùng ông Nguyễn Trường Thành, Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Nghệ An, chúng tôi cũng thấy e ngại vì con số điểm sạt lở: Nghệ An có 373 điểm sạt trượt nguy cơ cao (trong đó có 274 điểm sạt lở vùng DTTS), ảnh hưởng, đe dọa an toàn đến gần 10.000 hộ dân. Đây là những “điểm đen” mà mỗi khi đến mùa mưa bão, chúng tôi lại thấp thỏm, lo lắng.
Dẫn đầu danh sách những điểm sạt trượt nguy cơ cao phải kể đến, là huyện miền núi Quỳ Hợp với 56 vị trí, Anh Sơn 45 vị trí, Quế Phong và Tương Dương cùng 43 vị trí, Quỳ Châu 39 vị trí… Đây là những địa phương nằm ở khu vực miền núi, thường xuyên chịu tác động của thiên tai, bão lũ.
Trong số những địa danh có vị trí sạt lở nguy cơ cao là xã Nậm Giải, huyện Quế Phong. Năm 2007, cả nước bàng hoàng khi thảm họa thiên tai lũ ống lũ quét xảy ra tại bản Pục và bản Méo cuốn trôi hết nhà cửa, ruộng vườn, trường học… đồng thời cướp đi sinh mạng của 13 người dân xấu số. Nay, địa phương này đang dẫn đầu danh sách do có đến gần 10 điểm sạt lở nguy hiểm đe dọa hàng trăm hộ dân nơi đây.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quế Phong Phan Trọng Dũng xuýt xoa: Lo lắm, bất an lắm. Hễ mưa bão là gần như cả hệ thống chính trị của huyện phải thức trắng để sẵn sàng chỉ đạo, hướng dẫn người dân ứng phó kịp thời. Nhưng thiên tai thường rất bất ngờ và khó dự báo, thành ra thiệt hại thường rất lớn.
Con Cuông cũng là huyện miền núi đang có hàng chục “điểm nóng” về tình trạng sạt trượt nguy hiểm. Cách nay chừng 3 năm, chúng tôi đã về bản Bủng Xát xã Châu Khê để chứng kiến “điểm nóng” sạt lở nơi đây. Cả quả đồi lớn phía trên bản nứt toác một đường rộng, kéo dài hàng trăm mét. Núi lở, đá rơi… cuộc sống vốn bình yên hằng bao đời của người dân bản Thái nơi đây phút chốc bị đảo lộn.
Chủ tịch UBND xã Châu Khê (Con Cuông) Kha Văn Thương không dấu diếm: Từ khi có vết nứt lớn trên núi, bà con bất an, lo lắng. Qua thống kê, có đến gần 20 hộ dân với gần 70 nhân khẩu sống dưới “điểm nóng” sạt trượt này.
Trong số 373 điểm sạt trượt nguy cơ cao được tỉnh Nghệ An thống kê, có 274 điểm sạt lở vùng miền núi - nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống. Quá trình tìm hiểu thông tin cho bài viết, chúng tôi đã được lãnh đạo các địa phương chia sẻ rằng: Nguy cơ lũ ống, lũ quét từ các điểm sạt lở ở khu vực núi cao do nền đất yếu, kết cấu không chặt, gặp mưa lớn đã gây ra thảm họa cho người dân sinh sống bên dưới.
Khu vực miền núi đã thế, vùng đồng bằng, ven biển cũng đang nơm nớp, bất an không kém khi có đến hàng chục “điểm nóng” thiên tai do nguy cơ sạt trượt cao và ngập úng. Ở vùng ven thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên đang có 15 điểm sạt trượt và Nghi Lộc 13 điểm sạt trượt nguy cơ cao; còn thị xã Hoàng Mai nằm kề biển cũng đang có 17 điểm sạt trượt nguy cơ cao.
Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc Nguyễn Tiến Dũng thông tin: các điểm sạt trượt chủ yếu là sạt lở bờ sông, đê biển. Đây là những điểm nguy cơ cao sạt lở khiến địa phương lo lắng. Bởi nếu nước lũ dâng cao gây xói lở bờ đê thì hàng trăm hộ dân phía trong sẽ rất nguy.
Ngày qua ngày, người dân vùng có nguy cơ sạt trượt đang phải sống thấp thỏm, bất an… mà hễ mưa bão đổ bộ thì lại cuống cuồng di dời tìm chốn an thân.
Cứ mưa bão là… di dời
Nói đến lũ lụt, sạt lở đất ở Nghệ An, thật khó để bỏ qua địa danh xã Tà Cạ. Tâm điểm của thảm họa thiên tai mới chỉ xảy ra hơn 1 năm trước thôi, ở bản Hòa Sơn và Sơn Hà gây sạt lở núi nghiêm trọng, xuất hiện vết nứt lớn. Nhìn vào địa thế vùng đất khi lũ quét đi qua, nhìn vào thông số đo đạc mà huyện Kỳ Sơn thống kê, chúng tôi vẫn chưa hết rùng mình: Vết nứt có chỗ rộng nhất là 1,5m, sâu 1- 2m; chiều dài vết nứt khoảng 500-700m, tác động lún sụt đường giao thông tuyến Mường Xén – Tây Sơn (đoạn qua xã Tà Cạ); vùi lấp toàn bộ hệ thống khe Huồi Giảng (đoạn từ bản Sơn Hà đến bản Hòa Sơn).
Chủ tịch UBND xã Tà Cạ (Kỳ Sơn, Nghệ An) Vi Văn Mằn vẫn chưa thôi hốt hoảng: Vào cuối tháng 9/2023 mới đây, một đợt lũ quét nhỏ chảy qua khiến chúng tôi lo sốt vó, túc trực di dời dân khẩn cấp. Nếu không có phương án tái định cư sớm, thì mỗi đợt mưa lũ xảy ra là phải di dời để đảm bảo an toàn.
Ở các huyện miền núi Nghệ An, mùa mưa bão đổ bộ, phương án di dân vẫn đang là giải pháp hiệu quả nhất để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Ngay như ở huyện Tương Dương, 43 điểm sạt lở có nguy cơ cao đang thực sự là 43 “điểm đen” mùa mưa bão khiến chính quyền và người dân huyện này đứng ngồi không yên.
Anh Lô Khăm Kha,Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương mở sổ rồi tính: các điểm sạt lở, thường xuyên hứng chịu thiên tai là ở các xã, Yên Na, Yên Hòa, Nga My, Lượng Minh, Tam Hợp, Yên Tĩnh, Tam Quang… Ở những vùng này, cứ mùa mưa bão đến là phải tính phương án di dời dân đến nơi an toàn. Nếu chậm di dời, thì hậu quả không thể đo đếm được.
Khu vực miền núi thấp và đồng bằng ven biển, tình trạng sạt lở, ngập úng đe dọa cuộc sống bình yên của người dân, đang khiến nhiều địa phương đau đầu. Ngay như việc sạt lở bờ sông ở xóm 1 xã Lạng Sơn (Anh Sơn) những ngày đầu tháng 10/2023, đã cuốn hàng ngàn m3 đất đá dọc theo đất của 10 hộ dân gây ra vệt sạt lở kinh hoàng.
Nói về vết sạt lở này, Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn Hoàng Quyền lo lắng: Vết sạt lở dài 120m, rộng20m và sâu 12m; làm mất chừng 15.000m3 đất. Vết sạt lở đang ăn sâu vào, ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản và tính mạng của 10 hộ dân sinh sống khu vực này. UBND xã đã kiểm tra, làm việc với ban chỉ huy thôn 1 và các hộ dân bị ảnh hưởng, giao trách nhiệm cụ thể để các hộ dân chủ động di dời tài sản, bảo vệ tính mạng của gia đình, khi có nguy cơ sạt lở tiếp, nhất là khi có mưa lũ.
Trong rất nhiều địa phương vùng trũng vừa có điểm sạt trượt nguy cơ cao, vừa dễ ngập úng khi mưa lũ là huyện Hưng Nguyên. Địa phương này đang có 15 điểm sạt trượt bờ sông, sườn núi và nhiều vùng dễ dàng bị cô lập khi mưa lũ.
Ngoài việc di dời dân đến nơi an toàn qua nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh lũ, qua hệ thống nhà phao tự nổi, thực hiện “4 tại chỗ”… địa phương đã đẩy mạnh việc tuyên truyền để người dân vùng “rốn lũ” nâng cao cảnh giác, có ý thức phòng tránh. Sống chung với thiên tai, chủ động đối phó, thích ứng với mưa bão… đang là những gì mà người dân Hưng Nguyên đã làm để an toàn suốt những ngày lũ lụt đổ về.
Dẫu đã rất nhiều cố gắng trong di dời, khắc phục thì, hậu quả, hệ lụy của thiên tai vẫn rất khủng khiếp, là những con số nhói buốt ở tỉnh có diện tích rộng nhất vùng Trung Bộ.