“Năm mô dân cũng kêu…”.
Lời chia sẻ ấy, chúng tôi được nghe từ chính những vị lãnh đạo các phường Kỳ Liên, Kỳ Trinh, Kỳ Long… khi đề cập đến hạ tầng các khu TĐC trên địa bàn.
Ông Trần Phố Huế, Chủ tịch UBND phường Kỳ Liên cho biết: Người dân đã đến sinh sống một thời gian dài, nhưng nhiều tuyến đường ở khu tái định cư như Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Thiếp, Võ Liêm Sơn… vẫn chưa được nhà đầu tư hoàn thành thi công, bàn giao sử dụng. Người dân kêu suốt, xã thì rất đau đầu nhưng không biết xử lí thế nào.
Tương tự, Chủ tịch UBND phường Kỳ Long Nguyễn Văn Chung thông tin thêm, trên địa bàn có nhiều hạng mục hạ tầng đang bị “bỏ quên” từ nhiều năm nay. Rất nhiều lần người dân, cử tri kiến nghị tình trạng hạ tầng thi công dang dở, được chúng tôi tổng hợp ý kiến gửi lên cấp trên để sớm có phương án giải quyết.
Ông Chung cho hay: Chúng tôi cũng mệt mỏi vì năm mô dân cũng kêu, nhất là các kì tiếp xúc cử tri nhưng địa phương đành chịu. Dân kêu lên phường, phường lại kêu lên thị xã.
Để xác thực cho lời mình nói, lãnh đạo các phường đã cử cán bộ dẫn chúng tôi về tận các khu TĐC để “mắt thấy tai nghe”. Và, khi đã dạo qua một vòng ở khu TĐC Tân Phúc Thành thuộc phường Kỳ Trinh, chúng tôi cũng đã phải lắc đầu ngán ngẩm.
Những người dân ở khu TĐC Tân Phúc Thành kể, họ vốn là người dân các thôn 1, 2, 3 thuộc xã Kỳ Lợi được bố trí về đây sinh sống từ hơn 10 năm trước. Nhưng hạ tầng nơi đây vừa dở dang, vừa xuống cấp. Trong đó, tình trạng mất an toàn xuất hiện tại nhiều tuyến đường với các hố ga bật nắp, mặt đường xuống cấp, lớp nhựa bị bong tróc, xuất hiện nhiều ổ gà, sống trâu, ảnh hưởng đến việc đi lại của bà con nhân dân.
Thậm chí, một số tuyến đường vẫn đang thi công dang dở, chưa hoàn thiện và bàn giao sử dụng. Bà Nguyễn Thị Ngại (70 tuổi, ở khu TĐC Tân Phúc Thành) kể khổ: Tôi thuộc diện di dân đợt 2, đến tháng 11/2021 mới chuyển lên khu TĐC sinh sống nhưng đường sá xung quanh nhà chưa hoàn thiện. Trời mưa, nước chảy ào ào mang theo đất đá chạy qua trước nhà. Để sạch sẽ và đỡ bụi bẩn, chúng tôi đã phải góp tiền láng bê tông mặt đường trước nhà. Chúng tôi đề nghị, sớm hoàn thiện triệt để các tuyến đường để người dân yên tâm an cư ở nơi mới này.
Tại phường Kỳ Liên, các tuyến đường Hoàng Ngọc Phách, Nguyễn Thiếp, Võ Liêm Sơn suốt 10 năm vẫn chưa làm xong nền đường và mương thoát nước. Do lượng lớn xe chạy nhiều gây bụi bẩn nên người dân sinh sống dọc tuyến đường đã rải đá, thân cây để hạn chế tốc độ nhằm giảm thiếu bụi bay vào nhà.
Bà Nguyễn Thị Ngoạn (TDP Liên Sơn) ở khu TĐC phường Kỳ Liên chán nản: Khổ lắm, năm mô (nào) người dân cũng kêu. Cực chẳng đã người dân mới lấy đá, thân cây chắn một phần đường như thế. Những ngày nắng nóng, bụi bay mù trời nên người dân phải “cửa đóng, then cài”. Còn trời mưa, lại bị nước bẩn tạt vào sân nhà do xe lao qua những vũng nước đọng.
Theo báo cáo của UBND phường Kỳ Long, ngoài cây cầu bắc qua khe Vĩnh chưa hoàn thiện tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT, thì cầu bắc qua khe Đá Hát nằm trên trục đường Lê Ninh trải qua mấy đợt mưa bão thì mố cầu bị xói lở hở hàm ếch.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2008 - 2009, người dân các xã như Kỳ Long, Kỳ Liên, Kỳ Phương, Kỳ Thịnh và một phần xã Kỳ Lợi đã di dời lên các vùng TĐC để nhường đất triển khai các công trình, dự án trọng điểm; trong đó có dự án Fomosa.
Tuy nhiên, đến nay, đã hơn 10 năm trôi qua, một số hạng mục cầu, đường, mương máng... tại một số khu TĐC vẫn chưa hoàn thiện, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại và sinh sống của người dân khiến người dân các khu TĐC bất an, lo lắng.
Người dân còn chờ đến bao giờ?
Tôi đã có nguyên một buổi sáng để đi qua những khu TĐC còn dở dang ở thị xã Kỳ Anh. Ẩn sâu trong đôi mắt chán nản, thất vọng của người dân là một tâm trạng bất an, lo lắng: còn phải chờ đến bao giờ, các hạng mục hạ tầng phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống tại các khu TĐC mới hoàn thành theo đúng quy hoạch.
Tôi đã gặp những người có trách nhiệm để hỏi cho ra nhẽ. Tuy nhiên, lãnh đạo các phường nơi có khu TĐC dở dang thì “chưa biết xử lí thế nào”.
Trong số các xã phải di dân TĐC, xã Kỳ Lợi chiếm số lượng đáng kể. Theo số liệu thống kê, đã có hơn 8.000 người dân xã Kỳ Lợi, phải di dời lên khu TĐC Tân Phúc Thành trong cả 2 đợt. Lãnh đạo UBND xã Kỳ Lợi chia sẻ: Nhiều năm nay, người dân đã kiến nghị và chúng tôi đã nhiều lần đề xuất lên UBND thị xã Kỳ Anh để làm đường cho dân, nhưng chưa được.
Còn ông Trần Phố Huế, Chủ tịch UBND phường Kỳ Liên cho biết: Người dân và cấp ủy, chính quyền địa phương đã phản ánh nhiều, nhưng vẫn chưa có phương án xử lý. Ông Huế cũng thông tin thêm: Trước mắt, có những đoạn tuyến xuống cấp mạnh, chúng tôi trích ngân sách để gia cố cho người dân, các phương tiện đi lại đảm bảo ATGT.
Làm việc với báo chí, ông Lê Nguyễn Kiên Cường, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh (chủ đầu tư dự án) trao đổi: Các tuyến đường tại các khu TĐC trên địa bàn thị xã Kỳ Anh được quy hoạch làm mới từ năm 2009, dự kiến hoàn thành trước năm 2012, nhưng đến năm 2014 thì dừng.
Tại thời điểm đó, Công ty cổ phần tập đoàn Xuân Thành làm tổng thầu thiết kế, thi công. Giai đoạn đầu, do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp đã rút về miền Bắc. Sau đó, chính quyền thị xã Kỳ Anh giải quyết xong thủ tục đền bù thì phía doanh nghiệp chưa làm lại.
“Hiện tại, Ban đã ra nhiều văn bản để hối thúc các đơn vị thi công tiếp tục hoàn thiện các dự án đang còn thi công dở. Chúng tôi cũng đang rất nóng ruột vì những hạng mục tại các khu TĐC còn dang dở”, ông Cường nói.
Trong khi các cấp chính quyền còn kiến nghị, đề nghị… thì ngày ngày, người dân vùng TĐC vẫn đang khốn khổ vì nhiều hạng mục hạ tầng chưa hoàn thiện, mà chưa biết đến bao giờ mới thi công xong.