Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 549.481 ca tử vong trong tổng số 30.235.680 ca nhiễm. Tiếp đó là Brazil với 282.400 ca tử vong trong số 11.609.601 ca bệnh. Ấn Độ đứng thứ ba với 159.079 ca tử vong trong số 11.438.734 bệnh nhân.
Tại châu Âu, sau khi Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) bày tỏ "tin tưởng chắc chắn" vào hiệu quả của vaccine AstraZeneca (Anh) trong phòng ngừa bệnh COVID-19, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Italy Mario Draghi đánh giá đây là tín hiệu khích lệ đối với công tác tiêm chủng phòng ngừa dịch bệnh này, song việc nối lại sử dụng vaccine này tại hai nước vẫn cần chờ kết luận cuối cùng của EMA.
Anh đang xem xét ý tưởng "hộ chiếu vaccine" cũng như theo dõi diễn biến dịch bệnh trước khi đưa ra chính sách mới về du lịch trong bối cảnh số ca nhiễm tăng lên tại một số khu vực của châu Âu có nguy cơ khiến kế hoạch của nước này về mở lại các tuyến du lịch quốc tế từ giữa tháng 5 sẽ bị chậm lại.
Tại khu vực Trung Đông, Iraq đã quyết định nới lỏng biện pháp hạn chế, theo đó, từ ngày 22/3 tới, lệnh giới nghiêm hoàn toàn sẽ được áp dụng vào các ngày thứ Sáu và thứ Bảy hàng tuần, thay vì 3 ngày cuối tuần. Những ngày còn lại trong tuần sẽ áp dụng lệnh giới nghiêm từ 21h hôm trước đến 5h sáng hôm sau. Chính phủ cũng quyết định cho phép các trung tâm thương mại, cửa hàng, quán ăn và quán cà phê mở cửa trở lại từ ngày 22/3 tới nhưng cần áp dụng những biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Mới đây, Iraq đã triển khai một loạt biện pháp nhằm ngăn dịch bệnh lây lan sau khi phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 nguy hiểm hơn so với chủng ban đầu.
Tại châu Á, thủ đô Tokyo (Nhật Bản) thông báo lần đầu tiên ghi nhận số ca nhiễm mới vượt 400 ca kể từ ngày 18/2. Cụ thể, số ca nhiễm mới tại thành phố này trong 24 giờ qua là 409 người, nâng tổng số ca bệnh lên 116.293 người. Số ca mắc mới tại Tokyo đã giảm dần kể từ khi Chính phủ Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 7/1. Tuy nhiên, tốc độ giảm đã chậm lại, với số ca nhiễm mới trung bình trong 7 ngày gần đây cao hơn những tuần trước.
Hàn Quốc cũng ghi nhận số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua lại vượt mốc 400 ca, lên tới 469 ca, trong đó có 452 ca lây nhiễm trong cộng đồng, tăng mạnh so với mức 363 ca một ngày trước đó. Nhằm chặn đà lây lan của dịch bệnh, giới chức y tế Hàn Quốc dự định tăng cường các biện pháp phòng dịch tại các cơ sở công cộng ở khu vực thủ đô Seoul. Theo đó, nhà chức trách sẽ tiến hành kiểm tra 11.873 cơ sở công cộng, trong đó có các nhà máy sản xuất thuê lao động nước ngoài, các phòng tắm công cộng, công viên, cho đến ngày 28/3.
Tại Philippines, số ca mắc mới COVID-19 lại đang tăng đột biến, khiến nước này phải triển khai một loạt biện pháp hạn chế đi lại mới.Ủy ban Hàng không Dân dụng Philippines thông báo, nước này sẽ giới hạn 1.500 hành khách đến Sân bay quốc tế Ninoy Aquino mỗi ngày. Quyết định có hiệu lực từ ngày 18/3 và kéo dài trong 1 tháng. Ngoài giới hạn hành khách, Philippines còn áp dụng lệnh giới nghiêm, phong tỏa cục bộ và tăng cường các trạm kiểm soát. Ngày 15/3, Philippines ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong gần 7 tháng, với 5.404 ca.
Singapore đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 với việc triển khai tiêm vaccine của hãng dược phẩm Moderna (Mỹ) bắt đầu từ ngày 17/3 tại 4 trung tâm tiêm chủng mới là Hong Kah North, Marsiling, Punggol 21 và Radin Mas. Những công dân Singapore cần xuất ngoại trong trường hợp ngoại lệ có thể được tiêm sớm. Trong khi đó tất cả các trung tâm tiêm chủng khác và các phòng khám sẽ tiếp tục sử dụng vaccine của Pfizer (Mỹ)/BioNTech (Đức). Bộ Y tế Singapore cho biết mỗi trung tâm sẽ chỉ lưu trữ và tiêm một loại vaccine. Các cá nhân khi đặt lịch tiêm phải lựa chọn cùng một trung tâm tiêm chủng cho cả hai mũi tiêm của mình. Công suất tiêm ở mỗi trung tâm tiêm chủng là khác nhau.