Số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 9/3 cho thấy, hiện toàn thế giới có 93.416.337 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 97% tổng số ca mắc). Trong số 21.716.281 ca bệnh đang điều trị thì có 21.626.419 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 89.862 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới.
Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 35.222.533 trường hợp, trong đó có 837.662 ca tử vong và 24.856.603 ca được điều trị khỏi. Dịch bệnh tại khu vực này vẫn tiếp tục lây lan dù chính phủ các nước đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine cho người dân.
Hiện Bắc Mỹ có 34.152.130 ca nhiễm bệnh, trong đó có 778.643 ca tử vong vì COVID-19. Sau nhiều tháng chật vật chiến đấu với dịch bệnh, Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trên thế giới, với tổng số 29.744.636 ca nhiễm và 538.623 ca tử vong vì COVID-19. Đứng thứ 2 là Mexico, với tổng cộng 2.128.600 ca nhiễm và 190.604 ca tử vong ghi nhận được tính đến thời điểm hiện tại. Tiếp đến là Canada với 890.698 ca nhiễm và 22.276 ca tử vong vì COVID-19.
Sau một năm vật lộn với đại dịch, nước Mỹ lần đầu tiên cán mốc tích cực với số người được tiêm chủng đã vượt qua số người bị nhiễm COVID-19. Số liệu của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 8/3 ghi nhận 31 triệu người Mỹ đã được tiêm vaccine của một trong hai hãng Pfizer và Moderna. Cũng theo dự báo, số người Mỹ được chủng trong thời gian tới sẽ tăng rất nhanh với sự góp mặt của vaccine Johnson & Johnson. Theo kế hoạch, nước Mỹ sẽ tiêm xong cho khoảng 70-85% người dân vào cuối mùa Hè này hoặc đầu Thu.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Quốc gia về dị ứng và các bệnh truyền nhiễm của Mỹ khuyến cáo rằng dù đã đạt được thành tựu như vậy nhưng đây chưa phải là lúc nước Mỹ có thể nới lỏng các biện pháp phòng ngừa cộng đồng bởi giữ được số ca nhiễm ở mức thấp sẽ là mấu chốt giúp người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường.
Tính đến sáng 9/3, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 25.629.361 trường hợp, với 405.011 ca tử vong và 24.035.251 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 1.189.099 ca bệnh đang điều trị thì có 22.241 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Ấn Độ tiếp tục là nước “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm, với 11.244.624 ca; tiếp theo sau là Thổ Nhĩ Kỳ với 2.793.632 ca.
Trong 24 giờ qua, Nam Mỹ ghi nhận thêm 55.002 ca nhiễm và 1.716 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 18.684.801 trường hợp, với 483.192 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Colombia, Argentina, Peru… với lần lượt: 11.055.480; 2.278.861; 12.154.694; 1.374.467… ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Tính đến sáng 9/3, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.003.008 trường hợp, trong đó có 106.280 ca tử vong và 3.565.569 ca bình phục. Trong tổng số 331.159 ca đang điều trị thì có 2.584 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 1.521.706 ca nhiễm COVID-19 và 50.803 ca tử vong vì dịch bệnh.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 136 ca nhiễm COVID-19, trong đó 9 ca ở Australia, 3 ca ở Fiji, 23 ca ở Frech Polynesia, 6 ca ở New Zealand, 87 ca ở Papua New Guinea, 2 ca ở Vanuatu và 6 ca còn lại ở Wallis and Futuna . Hiện khu vực này ghi nhận 51.781 ca nhiễm và 1.094 ca tử vong vì COVID-19. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 29.046 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 18.482 ca./.