Phải đăng ký thế chấp mới có hiệu lực
Dù bên nhận thế chấp là tổ chức tín dụng hoặc cá nhân đều phải đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, nếu không đăng ký thế chấp sẽ không có hiệu lực. Nội dung này được quy định rõ tại Khoản 3 Điều 188 Luật Đất đai 2013, cụ thể là:
Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
Hồ sơ đăng ký thế chấp
Theo Điều 39 Nghị định 102/2017/NĐ-CP, người yêu cầu đăng ký thế chấp sổ đỏ nộp 1 bộ hồ sơ, gồm các giấy tờ sau:
- Phiếu yêu cầu đăng ký theo Mẫu số 01/ĐKTC (1 bản chính).
- Hợp đồng thế chấp hoặc hợp đồng thế chấp có công chứng, chứng thực trong trường hợp pháp luật quy định (1 bản chính hoặc 1 bản sao có chứng thực).
- Bản chính giấy chứng nhận.
- Văn bản thỏa thuận có công chứng, chứng thực giữa người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất về việc tạo lập tài sản gắn liền với đất trong trường hợp thế chấp tài sản gắn liền với đất mà người sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất (1 bản chính hoặc 1 bản sao có chứng thực hoặc 1 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu).
- Giấy tờ chứng minh trong các trường hợp sau:
+ Văn bản ủy quyền trong trường hợp người yêu cầu đăng ký là người được ủy quyền (1 bản chính hoặc 1 bản sao có chứng thực hoặc 1 bản sao không có chứng thực kèm bản chính để đối chiếu).
+ Một trong các loại giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng không phải nộp phí khi thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm.
Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất phải công chứng
Theo Điểm a Khoản 1 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định, hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại Điểm b Khoản này.