Tăng nghèo phát sinhĐăk Hà là một huyện khó khăn của tỉnh Kon Tum, có 4/11 xã, thị trấn thuộc khu vực III (xã ĐBKK). Toàn huyện có 16.420 hộ, trong đó có 7.440 hộ là đồng bào DTTS.
Đầu năm 2017, toàn huyện có 3.644 hộ nghèo thì hết năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3032 hộ. Tuy nhiên, đáng chú ý, năm 2017, toàn huyện có 612 hộ thoát nghèo (trong đó có 560 hộ đồng bào DTTS) nhưng lại có 319 hộ nghèo phát sinh (293 hộ đồng bào DTTS) và 17 hộ tái nghèo (16 hộ đồng bào DTTS).
Tăng số hộ nghèo phát sinh cũng là tình trạng chung của tỉnh Kon Tum trong năm 2017. Theo Quyết định số 1427/QĐ-UBND ngày 27/12/2017 của UBND tỉnh Kon Tum về phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2017 trên địa bàn tỉnh thì trong năm, toàn tỉnh có 5.099 hộ thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh xuống còn 20,30% (28.990 hộ). Số hộ tái nghèo cũng không nhiều (178 hộ) nhưng số hộ nghèo phát sinh lại lên tới 2.095 hộ.
Tương tự, tại Đăk Lăk, theo Quyết định số 117/QĐ-UBND ngày 16/1/2018 của UBND tỉnh Đăk Lăk về phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo năm 2017 thì toàn tỉnh hiện có 66.596 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 15,37%), giảm 13.906 hộ so với đầu năm. Số hộ tái nghèo ở Đăk Lăk là 194 hộ; số hộ nghèo phát sinh là 4.234 hộ.
Nghèo về thu nhập chiếm tỷ lệ caoĐể giảm nghèo bền vững, thời gian qua, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để đầu tư, hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, từng bước ổn định và nâng cao thu nhập. Nhưng qua kết quả rà soát hộ nghèo năm 2017 của một số địa phương, phần lớn hộ nghèo hiện nay vẫn chủ yếu là nghèo về tiêu chí thu nhập.
Như tính chung cả tỉnh Kon Tum, hết năm 2017, toàn tỉnh có 22.222 hộ nghèo về thu nhập trong tổng số 28.990 hộ nghèo.
Còn tại Đăk Lăk, trong tổng số 66.596 hộ nghèo cuối năm 2017 thì có đến 57.296 hộ nghèo về thu nhập, còn lại là các hộ nghèo về thiếu hụt các dịch vụ xã hội.
Trong các quyết định ban hành kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo năm 2017, các địa phương đã lý giải nguyên nhân tăng nghèo phát sinh cũng như kết quả giảm nghèo chưa đạt như mong đợi. Như Đăk Lăk, Kon Tum thì nguyên nhân được xác định là do tách hộ, sinh con nhiều; hộ không có lao động, hộ thuộc diện di dân tái định cư nhưng chưa bố trí được đất ở,… hoặc do thiên tai, lũ lụt, sạt lở đất nên tăng hộ nghèo phát sinh, hộ nghèo chưa bảo đảm được thu nhập ổn định để thoát nghèo.
Tuy nhiên, từ kết quả rà soát hộ nghèo năm 2017 của Kon Tum, Đăk Lăk, việc hộ nghèo về thu nhập chiếm tỷ lệ cao trong tổng số hộ nghèo đã cho thấy nhiều vấn đề cần phải bàn trong công tác giảm nghèo hiện nay.
Với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đến nay các nhu cầu thiết yếu để giúp người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đã được đáp ứng. Việc số hộ nghèo do thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản không lớn đã cho thấy rõ điều này.
Hộ nghèo về thu nhập vẫn chiếm số lượng lớn còn cho thấy, các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho người nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa chắc chắn vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Vì thế, việc tạo điều kiện cho người nghèo ổn định, từng bước nâng cao thu nhập để thoát nghèo vẫn rất loay hoay. Đây chính là vấn đề cần được quan tâm cả trong hoạch định, xây dung cũng như triển khai chính sách.
SỸ HÀO