Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết mục tiêu của kế hoạch bảo đảm vệ sinh an toàn, thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội Xuân 2022 là hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh truyền thông về an toàn thực phẩm…
Các bộ ngành, cơ quan Trung ương sẽ thành lập 6 đoàn liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm. Các địa phương tiến hành thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành các cấp, có kế hoạch thanh, kiểm tra phù hợp vào tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn.
Các đoàn kiểm tra tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán, điều kiện cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm…
“Không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống không bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện sửa chữa, khắc phục đạt yêu cầu. Các cá nhân, cơ sở vi phạm phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng”, ông Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. HCM nhấn mạnh dù khó khăn về dịch bệnh nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải bảo đảm an toàn trong tất cả các khâu. Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. HCM đã triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm đến các quận, huyện và TP. Thủ Đức.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị làm tốt công tác truyền thông đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng; tăng cường các đoàn kiểm tra cấp huyện để bảo đảm an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, vận chuyển và mua bán, tiêu dùng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tiếp tục có nhiều tiến bộ trong suốt thời gian vừa qua, nhất là chuyển hướng sang quản lý rủi ro, đưa sản xuất an toàn vào trong nông nghiệp. Các địa phương, Bộ NN&PTNT đẩy nhanh việc xây dựng bản đồ an toàn sản xuất nông nghiệp gắn với chỉ dẫn địa lý.
Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục kiên trì thực hiện các biện pháp nhằm thay đổi những thói quen không tốt trong chế biến, kinh doanh thực phẩm của hàng triệu hộ cá thể, thói quen tiêu cùng của người dân.
Trong công tác quản lý hậu kiểm trong lĩnh vực chế biến, kinh doanh thực phẩm, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành thành viên của Ban Chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước phải luôn có cơ chế phản biện, đối thoại với doanh nghiệp.
Trong dịp Tết Nguyên đán, trước tình hình dịch bệnh, các bộ, ngành, địa phương phải tổ chức các đợt ra quân, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm.
“Các cơ sở y tế sẵn sàng xử lý tình huống xảy ra ngộ độc, nhất là trong vùng có dịch. Đồng thời việc hỗ trợ thực phẩm cho các gia đình đang cách ly trong dịp Tết càng phải bảo đảm an toàn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý./.