Giữ nghề truyền thống
Nghề làm chiếu ở Thành Thới B đã có từ cách đây hàng trăm năm. Trải qua không ít những khó khăn, thăng trầm nhưng làng nghề dệt chiếu Thành Thới B vẫn đứng vững, tạo công ăn việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân ở địa phương.
Năm 2008, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam trao Bằng chứng nhận danh hiệu Làng nghề tiêu biểu cho làng nghề dệt chiếu Thành Thới B. Ông Phan Văn Mẫm, Chủ tịch UBND xã Thành Thới B cho biết, toàn xã có hơn 500 hộ trồng lác và dệt chiếu, với khoảng 50ha lác, trồng 3 vụ/năm, cho ra khoảng 300 tấn lác nguyên liệu/năm.
Chiếu ở Thành Thới B được sản xuất rất đa dạng về kích cỡ và màu sắc. Để hoàn thành 3 đôi chiếu/ngày, người dệt phải thức dậy từ 4 giờ sáng. Một đôi chiếu thông thường bán ra thị trường có giá khoảng 100 ngàn đồng thì chiếu đặt sẽ có giá cao hơn, từ 170.000 - 180.000 đồng/đôi.
“Nhờ các hộ dệt chiếu tạo ra nhiều sản phẩm bền đẹp mà tiếng lành đồn xa, làng dệt chiếu Thành Thới B ngày càng có nhiều khách hàng ở khắp nơi đến đặt mua. Theo đó, cuộc sống của người dân làm chiếu cũng được cải thiện. Mỗi năm, doanh thu từ nghề làm chiếu, lác đạt hơn 1 tỷ đồng ...”, Chủ tịch xã Thành Thới B Phan Văn Mẫm thông tin.
Theo những người làm nghề dệt chiếu thì nghề này không quá khó, nhưng lại khá vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn như cắt, phơi, nhuộm và dệt. Để có một chiếc chiếu đẹp và bền, trước tiên phải chọn nguyên liệu là cây lác thật già, sau đó chọn chiều dài của lác phù hợp với khổ chiếu cần dệt. Khi dệt chiếu cần 2 người cùng làm. Căng đai xong, người thợ chính sẽ ngồi lên khung, người còn lại luồn từng sợi lác vào khuôn và người thợ chính sẽ dùng sức dập mạnh vào lác để kết chặt lác vào nhau. Động tác dập phải dứt khoát, đủ độ mạnh để lác thẳng hàng, không xếp chồng lên nhau dẫn đến gãy lọn. Tận mắt chứng kiến quy trình mới thấy tay nghề của người thợ rất quan trọng, phải đan thế nào để chiếu vừa khít, đều và có độ bền.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh ở ấp An Trạch Tây (xã Thành Thới B) chia sẻ, từ nhỏ, bà đã học nghề dệt chiếu từ mẹ. Nghề này cực nhất là lúc đi cắt lác, chẻ lác, phơi khô. Để dệt ra một chiếc chiếu, đòi hỏi người dệt phải cẩn thận, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Vì nghề này cần 2 người cùng làm, nên các gia đình thường đổi công cho nhau. Nếu hôm nay dệt chiếu cho gia đình này thì ngày mai dệt chiếu lại cho gia đình khác.
Nguồn thu ổn định
Thời điểm này, lác đang vào mùa và Tết Nguyên đán cũng sắp đến gần, nhu cầu thị trường tăng cao nên những người dân ở ấp An Trạch Tây tranh thủ thu hoạch lác để dự trữ cho việc dệt chiếu. Trung bình mỗi hộ có thể dệt từ 100 - 150 đôi chiếu/tháng. Hàng làm xong là có thương lái đến nhận ngay, từ đó thu nhập của người dệt chiếu cũng khá ổn định.
Ngoài dệt chiếu, nơi đây rất nhiều hộ dân trồng lác, vì lác là loài cây ưa nước, chịu hạn, mùa nước mặn hay lũ về người trồng lác không phải lo. Hiện tại, nhu cầu của thị trường về cây lác khá lớn. Sau khi lác được phơi khô, thương lái đến tận nơi thu mua.
Gia đình anh Trương Văn Hùng, ở ấp An Trạch Tây gắn bó hơn 15 năm với nghề trồng lác, cho biết “Lác chỉ trồng một lần, sau khi thu hoạch chỉ cần bón phân là 4 tháng sau có thể thu hoạch. Lác được đưa vào máy, chẻ ra làm nhiều cọng nhỏ, sau đó đem phơi khô, nêm thành từng bó lớn để dễ dàng cân bán. Trồng lác tuy cực nhọc nhưng bán có giá cao, mang lại nguồn thu ổn định”.