Theo ông Ngọc Huy, Đội trưởng Đội KLCĐ & PCCCR số 2, mấy năm gần đây tại một số huyện như: Thường Xuân, Bá Thước, Lang Chánh, Như Xuân, Quan Sơn, Quan Hóa, rừng còn giàu tài nguyên. Địa hình đồi núi cao phức tạp, mạng lưới giao thông có nhiều đường ngang, ngõ tắt.
Một số đối tượng thường dùng xe khách vận chuyển lâm sản trái phép. Khi bị lực lượng Kiểm lâm phát hiện, truy bắt, “lâm tặc” đã manh động chống trả quyết liệt với lực lượng chức năng.
“Để ngăn chặn các đối tượng phạm tội, Đội đã phân công nhiệm vụ cho từng Kiểm lâm viên phụ trách địa bàn cụ thể, tổ chức cài cắm thông tin, nắm bắt các khu vực còn giàu tài nguyên rừng. Đồng thời theo dõi chặt chẽ các đối tượng, phương tiện có hành vi khai thác, mua bán, vận chuyển, kinh doanh, chế biến lâm sản trái phép, đề xuất kịp thời với lãnh đạo Đội và các Hạt Kiểm lâm khu vực miền núi tổ chức kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời”, ông Huy nói.
Theo ông Huy, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội đã tập trung làm tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng; đấu tranh chống buôn lậu lâm sản và động vật hoang dã tại 11 huyện miền núi, đặc biệt trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua Thanh Hóa. Đội đã chủ động phối hợp kịp thời, có hiệu quả với các Hạt Kiểm lâm khu vực miền núi, các đơn vị thuộc Công an tỉnh bắt giữ và xử lý các vụ việc buôn lậu lâm sản; giải quyết nhanh gọn, đúng pháp luật các vụ việc phức tạp; đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra an ninh rừng; triển khai các biện pháp bảo vệ rừng tại gốc, không để xảy ra điểm nóng hay tụ điểm về khai thác, phá rừng, mua bán, vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái phép.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Đội KLCĐ & PCCCR số 2 đã cài cắm, nắm bắt được 82 thông tin về tình hình an ninh rừng, tổ chức tuần tra an ninh rừng 236 lần. Qua đó, phát hiện, xử lý 30 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 317 triệu đồng.
“Qua đó, an ninh rừng trên địa bàn các huyện miền núi cơ bản được giữ vững và tương đối ổn định, các tuyến tỉnh lộ được kiểm soát chặt chẽ, các điểm nóng về khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản trên địa bàn không xảy ra”, ông Huy cho biết.
Ông Huy chia sẻ thêm, thực tế địa bàn 11 huyện miền núi, trong đó có 6 huyện trọng điểm về an ninh rừng, địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn, công tác phối hợp trao đổi thông tin có thời điểm chưa đồng bộ, liên tục. Do lực lượng, phương tiện và kinh phí còn hạn chế đã ảnh hưởng đến việc tuần tra, cài cắm, “nuôi” nguồn tin trong Nhân dân. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát an ninh rừng của một số Hạt Kiểm lâm khu vực miền núi chưa chặt chẽ; chưa thường xuyên tuần tra rừng; chưa làm tốt công tác phòng ngừa vi phạm nên vẫn xảy ra những vụ vi phạm nhỏ lẻ.