Chi Cục Kiểm lâm Thanh Hoá phối hợp với lực lượng bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Xuân Liên tổ chức tuần tra bảo vệ rừng. (Ảnh: Vũ Sinh)Theo ông Phạm Anh Tám, Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Liên thuộc địa bàn huyện miền núi Thường Xuân, để làm tốt công tác bảo vệ rừng, trong 5 năm qua Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Liên đã thành lập 12 tổ đội bảo vệ rừng cộng đồng, với sự tham gia của trên 1.300 người, các tổ đội đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng được gần 5.200 lượt tại 31 tiểu khu. Qua đó, giúp lực lượng kiểm lâm phát hiện, bắt giữ và lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 76 vụ, giảm 152 vụ so với giai đoạn trước, an ninh rừng được đảm bảo.
Anh Lương Văn Đặng, Tổ trưởng Tổ Bảo vệ rừng cộng đồng bản Lửa, xã Yên Nhân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đội chúng tôi 14 anh em tổ chức tuần tra theo lịch trình, chúng tôi chia theo 4 nhóm, thường xuyên 4 ngày đi tuần tra 1 lần. Đặc biệt, thời điểm có nguy cơ cháy rừng hoặc có người lạ xâm hại vào rừng, chúng tôi sẽ tăng cường đi nhiều hơn. Nhờ bảo vệ rừng chúng tôi có thêm nguồn thu nhập cải thiện đời sống.
Công tác tuần tra kiểm soát an ninh rừng trên địa bàn Thanh Hóa luôn được quan tâm, chú trọngHiện tỉnh Thanh Hóa đã có 1.960 tổ đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng ở các thôn, bản. Các tổ đội quản lý bảo vệ rừng cộng đồng thường xuyên phối hợp với cán bộ các trạm kiểm lâm tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng. Qua đó nắm bắt, cung cấp thông tin để lực lượng kiểm lâm có giải pháp đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả, kịp thời các hành vi xâm hại rừng.
Thông qua nguồn lực từ các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền các địa phương và các chủ rừng đã hỗ trợ một phần kinh phí để các tổ đội bảo vệ rừng cộng đồng mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác tuần tra, bảo vệ rừng cũng như tạo sinh kế, nâng cao đời sống.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa: Giai đoạn 2012-2024, Quỹ bảo vệ phát triển rừng và phòng chống thiên tai tỉnh đã thu 148 tỷ đồng. Hằng năm, đơn vị chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho 22 chủ rừng, 516 cộng đồng dân cư thôn bản và trên 2.500 hộ gia đình, cá nhân. Kinh phí tri trả hằng năm trên 30 tỷ đồng, với diện tích trên 400.000ha tại 9 huyện miền núi.
Ông Hà Văn Thái, Trưởng bản Tình, xã Tam Lư, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Nhờ nguồn kinh phí từ chi trả dịch vụ môi trường rừng, chúng tôi hỗ trợ tổ đội bảo vệ rừng tiền ăn, ngoài ra, chúng tôi thống nhất chi cho tập thể, đưa vào đầu tư loa đài cho công tác tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy; công tác bảo vệ rừng; xây dựng các công trình phúc lợi như nhà văn hóa, đường… qua đó, người dân rất phấn khởi và an tâm bảo vệ rừng.
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ rừngViệc giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng hiện đang mang lại rất nhiều lợi ích. Không những giúp các đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương giải quyết được những khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học do thiếu hụt nguồn nhân lực mà còn huy động được sức mạnh tập thể trong việc ngăn chặn xâm hại rừng, góp phần bảo vệ bền vững và gia tăng độ che phủ rừng của Thanh Hóa lên 53,91%.