Cụ thể, theo phản ánh, năm 2019, Nhà nước có hỗ trợ gạo cho các hộ dân có đất trồng keo trên diện đất rừng sản xuất cho người dân tại huyện Thường Xuân, trong đó có người dân thôn Tiến Sơn 1. Sau khi được bàn giao gạo, cán bộ địa phương thôn Tiến Sơn 1, thị trấn Thường Xuân đã gửi gạo tại gia đình anh Tuân, là người trong thôn. Sau đó, cán bộ thôn dùng xe máy cày tự chế chở gạo phát cho từng hộ dân. Tiếp đó, năm 2020, cán bộ thôn chuyển sang gửi gạo nhà anh Nguyễn Hoàng Hên, cũng ở thôn Tiến Sơn 1.
Tuy nhiên, đơn thư của người dân phản ánh, trong quá trình cấp phát gạo đã xảy ra nhiều tranh cãi, lùm xùm giữa cán bộ và các hộ dân; trong đó có việc nhiều hộ dân phản ánh, thấy xe chở hàng tấn gạo lên, lại chở mang về xuôi không rõ đưa đi bán hay làm gì?
Anh Nguyễn Hoàng Hên, thôn Tiến Sơn 1, là hộ gia đình được gửi gạo vào năm 2020 cho biết: Vào thời điểm đó, cán bộ thôn (nay là khu phố) đã đến, đặt vấn đề gửi gạo hỗ trợ trồng rừng tại gia đình để tiện việc cấp phát cho dân. Sau khi gửi gạo ở nhà anh Hên một thời gian, cán bộ khu phố đến lấy một phần gạo cấp phát cho một số hộ dân trong thôn. Việc cấp phát theo hình thức dân đến nhận gạo tại gia đình nhà anh Hên, cán bộ thôn và Trưởng thôn là người cấp.
"Trong quá trình cấp phát, đã xảy ra cãi nhau inh ỏi về việc hộ được nhiều hộ được ít gạo so với diện tích đất trồng rừng, nên thôn đã tạm dừng việc cấp phát gạo cho bà con trong một thời gian. Có điều tôi và người dân thấy lạ, là có một số lần xe tải từ 1,4 tấn đến 2,5 tấn đến nhà tôi bốc gạo chở về dưới xuôi chứ không phải đưa vào thôn, bản để cấp phát cho dân", anh Hên phản ánh.
Anh Hên cũng cho biết thêm: Trước hiện tượng này, cũng đã có nhiều người dân trong thôn phân vân hỏi cán bộ thôn gạo được đưa đi đâu, nhưng không được trả lời rõ ràng. Do đó, bản thân tôi và người dân không khỏi thắc mắc và hoài nghi có việc mập mờ bớt xén gạo trồng rừng của dân.
Phản ánh với báo chí, ông Cầm Bá Mão và một số hộ dân thôn Tiến Sơn 1 cho biết, năm 2019, ông được nhận gạo hỗ trợ trồng rừng của Nhà nước, nhưng gia đình ông và các hộ không biết theo quy định được nhận bao nhiêu gạo. Do vậy, lúc nhận gạo nhiều hộ gia đình mới xảy ra chuyện cãi nhau ầm ĩ vì hộ trồng ít rừng được cấp gạo nhiều hơn hộ trồng nhiều rừng.
Tương tự, ông Hoàng Văn Mao được nhận gạo thời điểm đó phản ánh: "Tôi cũng được nhận gạo, nhưng mỗi bao gạo hụt đi 10kg và việc cấp phát gạo cũng không được rõ ràng. Lâu nay, chúng tôi rất mong việc này được đưa ra họp khu phố để giải quyết dứt điểm một lần".
Trao đổi việc phản ánh của người dân với ông Lương văn Hợi, Trưởng thôn Tiến Sơn 1, thị trấn huyện Thường Xuân, về việc mập mờ trong chuyện cấp phát gạo và gạo được mang đi bán, Trưởng thôn Lương văn Hợi khẳng định, không có việc bớt gạo mang đi bán.
Thôn cấp phát gạo cho bà con theo danh sách xã cấp về, người dân đến ký nhận gạo xong, thì tất cả giấy tờ phải nộp hết về xã, hiện thôn chỉ còn lại biên bản nhận gạo viết tay trong sổ của thôn. Tuy nhiên, ông Trưởng thôn cho hay, tại thời điểm nhận gạo, nhiều người dân không biết chữ, phải nhờ người khác ký thay.
Theo phản ánh của người dân và quá trình tìm hiểu thực tế, nếu việc cấp phát gạo hỗ trợ cho người dân trồng rừng tại Thường Xuân diễn ra đúng theo quy định, minh bạch rõ ràng, sẽ không tồn tại câu chuyện lùm xùm, bức xúc, nghi ngờ của người dân đối với cán bộ được giao nhiệm vụ về việc cấp gạo này.
Trước sự việc phản ánh này, dư luận mong các cấp chính quyền, cơ quan chức năng huyện Thường Xuân sớm vào cuộc kiểm tra, xác minh, giải quyết dứt điểm tình trạng trên, tránh để người dân tiếp tục đơn thư kéo dài, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đến với cán bộ chính quyền sở tại
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục theo dõi thông tin đến bạn đọc.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ gạo cho đồng bào DTTS tự nguyện trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Thường Xuân, giai đoạn 2016 – 2020. Tại Quyết định số 985, năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 3.762 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Thanh Hóa để thực hiện Đề án hỗ trợ gạo cho đồng bào DTTS tự nguyện nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trong thời gian chưa bảo đảm được lương thực giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn huyện Thường Xuân. Đến ngày 24/6/2019, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 777 về việc xuất bổ sung 4.948 tấn gạo cho đồng bào DTTS tự nguyện trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Thường Xuân.