Ngày 20/2/1947, tại Rừng Thông, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Bác Hồ đã nói chuyện với cán bộ chủ chốt của tỉnh và gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng lớn lao: “Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu. Phải làm sao cho mọi mặt: Chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu”.
76 năm đã trôi qua, những lời dạy bảo ân cần của Người không chỉ là nguồn cổ vũ lớn lao đối với Nhân dân Thanh Hóa, mà còn đánh dấu bước chuyển căn bản trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong tỉnh về kháng chiến kiến quốc, xây dựng và phát triển quê hương.
Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Thanh Hóa đã cùng với quân, dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Năm 1957, trong lần thứ 2 về thăm Thanh Hóa, Bác Hồ đã nói: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó, tiếng Điện Biên Phủ đến đâu đồng bào Thanh Hóa cũng có phần vinh dự đến đó”.
Thấm nhuần lời căn dặn của Bác trong những lần Người về thăm Thanh Hóa, các thế hệ người dân trong tỉnh đã truyền nhau lời hứa với Bác, cùng đoàn kết, quyết tâm khắc phục khó khăn, đoàn kết chống giặc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Mỗi người dân luôn tự nhủ phải học tập và làm theo Bác từ những việc nhỏ, thiết thực. Thời kỳ nào, Thanh Hóa cũng có những tập thể, cá nhân điển hình về mọi mặt được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm, động viên và là điểm học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các tỉnh, thành trong cả nước về phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa mới.
Năm 2022 vừa qua, Thanh Hóa thuộc nhóm 7 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đều đạt và vượt kế hoạch, ước đạt 12,51. Thanh Hóa đã xác lập kỷ lục mới trên nhiều chỉ tiêu quan trọng và đã khởi công, khánh thành một số dự án công nghiệp, giao thông quy mô lớn, góp phần tăng cường kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp.
Trong xây dựng nông thôn mới (NTM), Thanh Hóa là một trong những tỉnh có số huyện, xã, thôn, bản đạt chuẩn NTM nhiều nhất với 904 thôn/bản đạt chuẩn NTM và 254 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Thanh Hóa có huyện Đông Sơn dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng xã, thôn NTM kiểu mẫu với 3 xã và 62 thôn được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, năm 2015, huyện Yên Định được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa và đầu tiên của khu vực Bắc Trung Bộ.
Những thành tựu trên một lần nữa khẳng định vị thế chiến lược của Thanh Hóa trong khu vực Bắc Trung Bộ, Nam đồng bằng Bắc Bộ và cả nước.
Dù trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa vẫn luôn khắc sâu lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”. Bước vào giai đoạn phát triển mới, với khát vọng lớn lao: “Phấn đấu đến năm 2025, Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại” như Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã xác định.