Sinh thời, với cương vị là Chủ tịch nước, là lãnh tụ tối cao của Đảng, nhưng cứ đến dịp 19/5, kỷ niệm Ngày sinh của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn từ chối những lễ nghi phiền phức. Qua mỗi dịp kỷ niệm Ngày sinh nhật của Bác, chúng ta đều thấy một sự giản dị, khiêm tốn đến cao thượng. Đó là bài học quý giá cho mỗi chúng ta.
Tài liệu lưu trữ tại Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi rất rõ: Ngày 19/5/1946 là lần đầu tiên một hình thức mừng sinh nhật Bác được tổ chức. Hôm đó, tại Bắc Bộ phủ, Bác Hồ đã tiếp đại biểu Thiếu nhi Thủ đô, tự vệ, hướng đạo sinh và các đại biểu Nam bộ đến chúc thọ, Bác đã chụp ảnh chung với các cháu thiếu nhi và nói chuyện với các đại biểu Nam bộ.
Đáp lại tình cảm của mọi người, Bác nói “Thật ra, các bác ở đây làm to sinh nhật tôi, chứ tuổi 56 chưa có gì đáng chúc thọ, cũng hãy còn như thanh niên cả, mà trước các anh, các chị, trước cảnh êm vui ở Bắc đây, tôi thật thấy làm xấu hổ rằng trong Nam chưa được thái bình” . Và những năm sau đó, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày sinh của mình, Bác thường dặn trước các địa phương, các cơ quan là không nên tổ chức chúc thọ linh đình, vì Bác sợ tốn thời giờ, tiền bạc của Nhân dân, trong lúc đời sống và cuộc chiến đấu của Nhân dân còn khó khăn, gian khổ…
Năm nay, tròn 129 năm ngày sinh Bác Hồ kính yêu và cũng tròn 50 năm, dân tộc Việt Nam thực hiện Di chúc của Người. Là lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại, người Bác gần gũi của mọi người dân Việt Nam, Người còn là nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào giải phóng dân tộc và phong trào Cộng sản quốc tế; nhưng trong Di chúc, Bác chỉ nói là “mấy lời” để lại cho đồng bào, đồng chí, bầu bạn khắp nơi, phòng khi Người ra đi “Gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin” thì mọi người khỏi cảm thấy đột ngột.
Bản Di chúc của Người chỉ hơn một nghìn chữ nhưng gói trọn tư tưởng, đạo đức, phong cách của một lãnh tụ thiên tài. Chỉ mấy lời để lại đó đã có sức lay động sâu xa muôn triệu trái tim nhân loại trên trái đất này.
Trong tác phẩm “Càng nhớ Bác Hồ” , đồng chí Vũ Kỳ, thư ký giúp việc Bác, kể lại rằng: vào dịp sinh nhật lần thứ 75 của mình (tháng 5/1965), Bác Hồ đặt bút viết những dòng đầu tiên vào tài liệu “Tuyệt đối bí mật” , để dặn lại cho muôn đời con cháu mai sau. Từ lúc khởi thảo cho đến tháng 5/1969, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 10/5, Người đều xem lại tài liệu này, để sửa chữa, bổ sung, cân nhắc từng ý, từng lời với trách nhiệm trước hậu thế.
Tài liệu “Tuyệt đối bí mật” không dài lắm, nhưng Bác đã phải dành nhiều thời gian, tâm huyết để trăn trở, suy tư. Bác đã hiến dâng trọn vẹn cuộc đời đến giờ phút cuối cùng: tất cả đều vì nước, vì dân, vì phong trào cách mạng thế giới. Đúng dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 79 của mình-ngày 19/5/1969, Bác đọc lại lần cuối cùng tất cả các bản Di chúc đã viết trước đó rồi xếp tất cả bỏ vào phong bì và cất đi.
“Tài liệu tuyệt mật”-bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố năm 1969, có đề ngày 10/5 gồm 4 trang in khổ 14,5x22cm. Các bản thảo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá VI công bố năm 1989, vào dịp chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Người. Di chúc được trưng bày ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, có sức thu hút rất kỳ lạ đối với khách thăm quan trong nước cũng như bạn bè quốc tế.
Những trang bút tích của Bác vẫn đang cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, rất gần gũi và thiêng liêng, như chính Bác đang hiện hữu vậy. Tháng Năm nhớ Bác, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân lại hơn lúc nào hết, tiếp tục nêu cao nhận thức, tạo chuyển biến trong tư tưởng và hành động quyết liệt để học và làm theo Bác nhiều hơn, đóng góp nhiều hơn cho quê hương, đất nước; để nước Việt Nam ta vững vàng bước đi trên con đường Bác đã chọn.
KHÁNH THƯ