Đền Vạn - Cửa Rào, công trình văn hóa tâm linh huyện Tương Dương, Nghệ AnTháng Giêng này, dòng người từ mọi miền đất nước lại đổ về Đền Vạn - Cửa Rào (xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) để đắm mình trong mùa lễ hội, để cầu lộc, cầu tài, cầu cho quốc thái dân an.
Đền Vạn - Cửa Rào là nơi thờ danh tướng Đoàn Nhữ Hài cùng các tướng sỹ thời Trần tử trận trong cuộc chiến chống giặc Ai Lao, đồng phối thờ Tam tòa Thánh mẫu và Thánh Trần Hưng Đạo đại vương. Đền được xây dựng từ thế kỷ XIV và khôi phục lại vào thế kỷ XIX. Năm 1990, Đền được cải tạo nâng cấp, đến năm 2005 được xây dựng lại và năm 2009 thì được UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh.
Đền tọa lạc trên khu di chỉ khảo cổ học Đồi Đền. Những hiện vật đã được khai quật ở đây như: mũi tên đồng, đao, kiếm, giáo, mác hay lưỡi rìu bằng đá…cùng một số sản phẩm gốm khá tinh xảo có hình trang trí tương tự đồ gốm văn hoá Phùng Nguyên giúp chúng ta khẳng định giá trị lịch sử - văn hóa của ngôi đền.
Đền Vạn – Cửa Rào tọa lạc nơi ngã ba sông, điểm khởi nguồn của con sông Lam (ảnh nhìn từ trên cao)Đền nằm ở thế tiền thủy hậu sơn, bên phải, bên trái ngôi đền là hai dòng Nậm Mộ và Nậm Nơn uốn lượn, mặt đền nhìn về hướng chính Đông, nơi hợp lưu của 2 dòng Nặm Nơn, Nậm Mộ và là nơi khởi đầu của dòng sông Lam. Kiến trúc của Đền theo lối chữ Nhị, gồm nhà Bái Đường có ba gian, hai hồi lợp ngói âm dương, hai đầu hồi đắp nổi hình Lưỡng Long chầu Nguyệt cùng với hai chim Phượng ngậm dải lụa đang vỗ cánh bay lên. Hậu cung có ba gian, hai hồi theo kiểu nhà Tứ Trụ. Đây là nơi thờ cúng các vị Thần và các tướng sĩ triều Trần tử trận. Đền có ba pho tượng Tam Toà Thánh Mẫu và 5 pho tượng Ngũ vị Tôn ông. Trong Đền hiện còn lưu giữ được một số đồ thờ bằng đồng từ thời văn hóa Phùng Nguyên (chuông đồng, lư hương đồng, tượng phật bà quan âm...). Theo người dân địa phương và nhiều du khách thập phương về đây hành lễ, Đền Vạn - Cửa Rào có địa linh vào loại bậc nhất ở Nghệ An.
Lễ tế tại Lễ hội Đền Vạn – Cửa RàoĐền Vạn - Cửa Rào đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng gắn liền với quá trình dựng nước và bảo vệ đất nước của dân tộc Việt Nam. Vào thời nhà Lý, Uy minh vương Lý Nhật Quang đã mở ra đường lên sát biên giới Việt - Lào (tiền thân của Quốc lộ 7 ngày nay) để đánh tan quân Ai Lao giữ yên vùng biên giới. Thời Trần (1335), để bảo vệ bờ cõi nước Nam, Đoàn Nhữ Hài - một tướng giỏi của nhà Trần thân chinh đi đánh giặc Ai Lao đã hy sinh tại đây. Đến thời Lê, đây là nơi nghĩa quân Lam Sơn lập căn cứ trong giai đoạn kháng chiến chống quân Minh. Những năm đầu kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khu vực Cửa Rào và Đền Vạn trở thành nơi trú ẩn của Nhân dân và bộ đội địa phương…
Trước đây người dân địa phương chỉ tổ chức hành lễ đúng 1 ngày, vào ngày Khai Hạ mồng 7 tháng Giêng. Từ năm 2010 lại nay, Lễ hội được tổ chức vào các ngày 20, 21, 22 Tháng Giêng hằng năm.
Du khách thập phương về trẩy hội Đền Vạn – Cửa RàoNăm nay, chính quyền và Nhân dân xã Xá Lượng tổ chức lễ hội với quy mô lớn nhất từ trước tới nay. Chiếc cầu treo rực rỡ cờ hoa bắc qua dòng Nậm Mộ dẫn bước người dân và du khách thập phương sang với ngôi đền để cầu cho những điều may mắn, tốt lành sẽ đến trong năm mới. Dập dìu bước chân là sắc màu trang phục đẹp mắt, rực rỡ của các cô gái Thái, Mông, Khơ Mú… Từ chốn linh thiêng, nhìn lại bên kia dòng Nậm Mộ, ở bãi đất ven sông, các hoạt động vui chơi như thi cắm trại, giao lưu văn hoá, văn nghệ mang đậm dấu ấn tộc người của các cư dân huyện Tương Dương, các trò chơi dân gian như đu xuân, kéo co, đẩy gậy, ném còn, đua thuyền, bắn nỏ… diễn ra sôi nổi.
Các thiếu nữ dân tộc Mông đi trẩy hội
Đồng bào dân tộc Thái huyện Tương Dương đi dự Lễ hội Đền Vạn – Cửa RàoTại không gian văn hóa các dân tộc huyện Tương Dương, cán bộ và Nhân dân các xã về hội đền, ai cũng ra sức trang hoàng cho ngôi nhà của dân tộc mình thật lộng lẫy. Bà Lô Thị Trà My, Chủ tịch UBND xã Xá Lượng cho biết: Mùa lễ năm 2024 đón khoảng trên 1 vạn người về đây trẩy hội. Ngoài đồng bào các dân tộc huyện Tương Dương, còn có du khách đến từ Xiêng Khoảng (Lào), Kỳ Sơn, Con Cuông, Quỳ Hợp, Diễn Châu, thành phố Vinh, Hà Nội, Hải Phòng, các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí và đặc biệt là năm nào con cháu họ Đoàn từ khắp mọi miền đất nước đều về đây dự lễ. Năm nay, chúng tôi tổ chức quy mô lớn hơn, công tác quảng bá cũng tốt hơn, chắc chắn du khách sẽ về tham gia Lễ hội đông hơn.
Chương trình văn nghệ chào mừng Lễ hội Đền Vạn – Cửa Rào năm 2025Hoà cùng âm thanh rì rào của dòng sông là tiếng cồng chiêng, khắc luống rộn rã, tiếng ngân vang của những làn điệu dân ca, tiếng khèn dìu dặt gọi bạn. Giữa sân hội, mọi người cùng vui nhảy sạp, múa lăm vông, uống rượu cần. Các môn thể thao và trò chơi dân gian thể hiện tinh thần đoàn kết và thượng võ như kéo co, đua thuyền, bắn nỏ, đẩy gậy, chọi gà và đánh đu, ném còn, khắc luống hay thả đèn hoa đăng trên dòng Lam xanh biếc thể hiện ước nguyện phồn thực.
Trong đêm hội, hòa cùng sắc màu lung linh của đèn điện, những làn điệu dân ca, dân vũ các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Ơ đu, Tày Poọng cất lên, vừa rộn ràng, vừa sâu lắng và mang đậm âm hưởng của núi rừng, là cơ hội để du khách gần xa hiểu hơn về những giá trị văn hóa phong phú của vùng miền Tây xứ Nghệ. Rồi tiếng khèn, tiếng pí, tiếng cồng chiêng, khắc luống làm nên bản hòa tấu dạt dào như tiếng gió rừng, tiếng suối reo đón mùa Xuân về.
Khắc luống tại Lễ hội Đền Vạn – Cửa Rào
Biểu diễn cồng chiêng tại Lễ hội Đền Vạn – Cửa RàoTrong âm vang của núi rừng, nơi đồi thiêng ấy hàng ngàn người chuẩn bị bước vào lễ rước, tất cả nguyện cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bản làng yên ấm. Nhìn dòng người ngược xuôi, chị Đinh Thị Liên, Trưởng phòng Đối ngoại và Du lịch, Công ty Du lịch - Khách sạn Thái Bình (tỉnh Thái Bình) về dự Lễ hội cảm nhận: “Đây thực sự là ngày hội lớn của bà con các dân tộc huyện Tương Dương, là nơi thể hiện tinh thần đoàn kết cộng đồng. Ngoài ra, đây còn là dịp để trai gái các bản làng có dịp gặp gỡ, giao duyên. Chúng tôi nhận thấy, Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào sẽ là một điểm đến của các tour du lịch về miền Tây xứ Nghệ”.
Lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào không chỉ nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc, góp phần đáp ứng nhu cầu văn hoá tâm linh của Nhân dân; giáo dục truyền thống “uống nước, nhớ nguồn” mà còn nhằm quảng bá và phát triển du lịch sinh thái, tâm linh, là điểm đến giao lưu văn hoá nơi miền Tây Nam xứ Nghệ.
Các chàng trai người Mông biểu diễn múa khèn tại Lễ hội
Du khách tham quan các gian hàng tại Lễ hội
Lung linh đêm hội Đền Vạn – Cửa Rào