Chúng tôi có dịp đến dâng hương tại Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên vào một buổi sáng sớm đầu tháng bảy, trong không khí cả nước hướng về Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7. Dịp này, nghĩa trang vắng vẻ hơn mọi năm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Thấy chúng tôi đến, ông Hoàng Văn Hoạt và Tổ quản trang đang dọn vệ sinh ở phần mộ dừng tay, tiếp chuyện.
Dẫn chúng tôi đi viếng nghĩa trang, ông Hoạt xúc động nói: “Ai cũng nghĩ chiến tranh khốc liệt, bởi ở đó có những gian khổ, mất mát, hy sinh... Với tôi, hơn 20 năm gắn bó với nghĩa trang này, càng cảm nhận rõ hơn nỗi đau do chiến tranh để lại. Chiến tranh đã cướp đi tuổi xuân, sinh mạng của bao nhiêu chàng trai đang tuổi đôi mươi, nhưng khi về với đất Mẹ, nhiều người thân vẫn chưa tìm được hài cốt của con, cháu, chồng mình đang nằm ở cánh rừng nào”.
Ông Hoạt cho biết: Tổ quản trang có 3 người gồm vợ chồng ông Hoạt và ông Bế Văn Sơn, đều là người dân tộc Tày, gắn bó với nghĩa trang hơn 20 năm nay. Những năm tháng gắn bó với nghĩa trang, hai ông luôn coi các phần mộ trong nghĩa trang là người thân trong gia đình mình. Tổ quản trang chia nhau trực 24/24 giờ. Hằng ngày, Tổ quản trang thay nhau quét lá cây, dọn cỏ, chăm sóc cây cảnh và các phần mộ liệt sĩ. Khi có đoàn thăm viếng, các thành viên trong Tổ hỗ trợ các đoàn khách làm lễ, hướng dẫn thực hiện các nghi thức tri ân...
Ông Hoàng Văn Hoạt, sinh năm 1969, tại huyện Yên Bình (Yên Bái). Từ năm 1986 đến năm 1997, ông vào quân ngũ thuộc Trung đoàn E113 (đóng tại Phúc Yên, Vĩnh Phúc). Sau khi ra quân, ông lên công tác tại vùng biên giới huyện Vị Xuyên. Từng trải qua quân ngũ, ông Hoạt càng thấu hiểu nỗi đau mất mát người thân của những gia đình thân nhân các liệt sĩ. Chính vì thế, năm 2000, ông quyết định xin vào làm công việc quản trang tại Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên.
“Là người lính thế hệ sau các liệt sĩ vài năm, tôi mong muốn được đem chút sức nhỏ bé của mình để phục vụ các Anh hùng liệt sĩ, cũng là được gần gũi với đồng đội, với anh em. Những ngày đầu mới vào làm cũng cảm thấy hơi sợ, nhất là phải đi tuần, kiểm tra các khu mộ trong đêm. Nhưng lâu rồi cũng thành quen, cảm thấy gắn bó, ấm áp hơn. Công việc bình thường, nhưng cho tôi những khoảng lặng bình yên. Mỗi ngày không được làm công việc quen thuộc này lại thấy nhớ”, ông Hoạt chia sẻ.
May mắn, công việc ông Hoạt lựa chọn được người thân, gia đình hết lòng ủng hộ. Vợ ông là bà Lê Thị Thịnh, cũng theo chân ông vào tổ quản trang.
Nhớ về ngày mới tiếp nhận công việc, ông Hoạt cho biết: Ban đầu, Tổ quản trang Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên có 3 người, một thời gian sau thì một đồng chí chuyển đi công tác nơi khác, chỉ còn ông và ông Bế Văn Sơn, nay thêm vợ ông. Trước đây, do đường xá xa xôi, đi lại khó khăn nên người đến thăm viếng cũng không nhiều như bây giờ.
Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, Tổ quản trang đã đón tiếp nhiều thân nhân các Anh hùng liệt sĩ tìm đến thắp hương viếng mộ, hoặc tìm mộ của người thân. Trong đó, không ít người hoàn cảnh khó khăn được Tổ quản trang đã hỗ trợ tiền xe, tiền ăn để họ trở về nhà.
Bên cạnh công việc hàng ngày, Tổ quản trang còn phối hợp với các nhà trường, quân đội… trên địa bàn, để góp công làm đẹp cho nghĩa trang, cung cấp kiến thức cho các em học sinh hiểu về lịch sử, biết ơn những người đã hi sinh ngã xuống vì nền độc lập cho tổ quốc.
" Hằng ngày vẫn chứng kiến nhiều gia đình chưa tìm được người thân, nhiều ngôi mộ liệt sĩ vẫn chưa tìm về hội tụ được với gia đình, nên dù với mức lương chỉ tạm đủ sinh hoạt, thậm chí nhiều lúc gặp khó khăn, nhưng tôi chưa từng có ý nghĩ nghỉ việc...", quản trang Hoàng Văn Hoạt bộc bạch.