Day dứt vấn nạn tảo hôn
Châu Bình là xã vùng thấp của huyện miền núi Quỳ Châu. Dẫu đường quốc lộ 48 chạy xuyên qua xã, với hàng trăm chuyến xe tải hàng, tải khách ngược xuôi mỗi ngày; dẫu có đại dự án thủy lợi bản Mồng triển khai từ nhiều năm trước, với hàng trăm lượt cán bộ, kỹ sư, công nhân từ mọi miền đổ về thi công xây dựng nhộn nhịp… nhưng điều đó vẫn không làm cho vùng đất này, đẩy lùi được những hủ tục lạc hậu cố hữu, như vấn nạn tảo hôn đang ở mức độ báo động.
“Có trường hợp 15 tuổi đã kết hôn. Thậm chí có trường hợp học xong cấp THCS, đi làm thuê mấy tháng rồi “vác bụng bầu”… về xin cưới…”, Chủ tịch UBND xã Châu Bình Lê Văn Toán, mở lời chua xót với chúng tôi như thế về một vấn nạn đầy day dứt đang diễn ra trên địa bàn
Nhẩm tính con số tảo hôn năm 2022 và quý 1 năm 2023 mà huyện Quỳ Châu cung cấp, chúng tôi không khỏi day dứt. Nếu như cả năm 2022, Châu Bình có 4 trường hợp tảo hôn, thì sang quý I năm 2023, đã có 6 trường hợp tảo hôn.
Tiếp chúng tôi tại phòng làm việc, ông Lê Văn Toán, Chủ tịch UBND xã Châu Bình bộc bạch: Đáng buồn và rất đáng lo. Nhiều em chỉ mới 15 tuổi đã kết hôn; có trường hợp mới học xong bậc THCS bỏ đi làm thuê mấy tháng rồi “vác bụng bầu” về xin cưới khiến gia đình, làng bản ngỡ ngàng.
Còn tại Châu Tiến – xã này giáp với huyện Quế Phong, có bản Thái cổ và làng du lịch cộng đồng Hoa Tiến mỗi năm tiếp đón hàng chục đoàn khách du lịch ghé thăm. Tuy nhiên, đây cũng là địa phương có đến 3 trường hợp tảo hôn đáng tiếc. Ông Sầm Thanh Hoài, Chủ tịch UBND xã Châu Tiến thành thật: Tảo hôn xảy ra ở bản Lầu và Hoa Tiến… Chúng tôi rất lo lắng vì thực tế này.
Qua thống kê của huyện Quỳ Châu, tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện năm 2022 và quý I năm 2023, xảy ra trên địa bàn 19 thôn, bản của 7 xã (toàn huyện có 11 xã, 1 thị trấn). Theo đó, năm 2022, có 416 cặp kết hôn thì có đến 17 cặp tảo hôn và đều là các cặp tảo hôn một người. Tỷ lệ số cặp tảo hôn/số cặp kết hôn là 4,08%.
Riêng quý I năm 2023 có 126 cặp kết hôn, thì có đến 8 cặp tảo hôn và đều là các cặp tảo hôn một người. Nhưng chiếm tỷ lệ số cặp tảo hôn/số cặp kết hôn là 6,34%.
Ở các xã vùng trong, cũng đang có nhiều trường hợp tảo hôn xảy ra. Như trong năm 2022, xã Diên Lãm có 4 trường hợp, Châu Phong có 5 trường hợp… tảo hôn. Cá biệt, có trường hợp Lữ Thị Nhầm ở bản Cướm, xã Diên Lãm tảo hôn khi mới 14 tuổi.
Quá trình tìm hiểu thông tin cho bài viết, chúng tôi được biết, gần như các trường hợp tảo hôn ở Quỳ Châu trong thời gian qua là nữ; và độ tuổi kết hôn đa phần là 15-16 tuổi. Qua trao đổi với một số người dân, cán bộ đoàn thể ở các địa phương có trường hợp tảo hôn, thì được lý giải, hầu hết các em này, sau khi học xong bậc THCS thì không tiếp tục học lên mà rẽ ngoặt đi làm thuê, rồi khi xảy ra chuyện thì quay về quê xin cưới hỏi.
Bà Lê Thị Ngọc, Trưởng phòng dân tộc huyện Quỳ Châu lo lắng: Tảo hôn còn xảy ra, chứng tỏ nhận thức, suy nghĩ của người dân về hôn nhân gia đình, về giới tính và sức khỏe sinh sản còn chưa đầy đủ, hạn chế. Đây chính là nguyên nhân gây ra nhiều hệ lụy cho mỗi em gái, em trai; cho gia đình, bản làng và xã hội. Bởi tảo hôn xảy ra thì việc đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo cuộc sống tốt đẹp hơn… sẽ bị hạn chế và khó thực hiện hơn.
Thách thức không nhỏ
Cũng từ thực tế chúng tôi tìm hiểu được, có rất nhiều nguyên nhân, dẫn đến tình trạng tảo hôn xảy ra ở một số xã thuộc huyện Quỳ Châu cao, đó là do nhận thức, suy nghĩ của giới trẻ về hôn nhân "thoáng" hơn; một bộ phân người lớn nhận thức chưa đầy đủ, thiếu hiểu biết về luật hôn nhân và gia đình; điều kiện gia đình khó khăn dẫn đến các cháu bỏ học sớm đi làm ăn xa rồi yêu đương sớm; những chế tài, quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực tảo hôn chưa đồng bộ và chưa đủ mạnh để ngăn ngừa, răn đe tình trạng tảo hôn....
Nhìn từ số liệu UBND huyện Quỳ Châu cung cấp, rõ ràng tỷ lệ tảo hôn đang có chiều hướng gia tăng. Nếu như cả năm 2022 chỉ có 17 cặp tảo hôn thì riêng trong quý 1 năm 2023 đã có 8 cặp tảo hôn. Một con số đầy nhức nhối và đau lòng.
Không nói thì ai cũng hình dung đầy đủ, rõ ràng về hệ lụy, hậu quả do tảo hôn mang lại. Ngoài việc phải làm cha, làm mẹ quá sớm dẫn đến thiếu kiến thức chăm sóc con cái, chăm sóc gia đình; thì việc tảo hôn dẫn đến thất học, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và các mối quan hệ xã hội.
Tảo hôn, sinh con sớm làm tăng gấp 2 lần tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi, biểu hiện ở thiếu cân và thấp còi; tăng tỉ lệ tử vong ở nhóm trẻ em từ 1 - 5 tuổi; tăng tỉ lệ tử vong của các bà mẹ mang thai sớm (cao gấp 5 lần) so với những người mẹ trên 20 tuổi. Nhiều trường hợp con em của các cặp vợ chồng tảo hôn không được đi học, không được chăm sóc đầy đủ về dinh dưỡng, y tế, văn hóa tinh thần...
Tảo hôn cũng khiến khả năng kiếm sống hoặc đóng góp về kinh tế cho gia đình của mỗi thành viên trong gia đình là rất thấp, dẫn đến tỷ lệ đói nghèo ngày càng tăng cao, là gánh nặng cho xã hội.
Mặt khác, phần lớn các đôi vợ chồng tảo hôn còn thiếu kiến thức xã hội, thường rơi vào cảnh nghèo túng, nhiều đôi đã tan vỡ hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em. Đáng buồn hơn có gia đình phải bán cả nhà để trả nợ cho lễ cưới rồi sau đó dắt díu nhau ra bìa rừng dựng lều ở tạm.
Dẫu vậy thì công tác phòng chống tảo hôn là không hề dễ dàng, thậm chí là rất khó khăn dù rằng cả hệ thống chính trị đã vào cuộc mạnh mẽ. Ngay tại xã Châu Bình – một xã dẫn đầu toàn huyện về số cặp tảo hôn thời gian qua, thì nhiều giải pháp phòng chống tảo hôn cũng đang được địa phương thực hiện. Đó là phối hợp với các cơ quan, đơn vị cấp huyện đẩy mạnh tuyên truyền trong nhà trường, trong các cuộc họp thôn bản.
Theo chủ tịch UBND xã Châu Bình Lê Văn Toán, cuộc họp thôn bản hay tiếp xúc cử tri, tôi đều dành thời gian từ 30-60 phút để tuyên truyền trước bà con về tảo hôn; phân tích rõ những tác hại và hậu quả do tảo hôn mang lại… nhưng vẫn khó khăn.
Việc tuyên truyền, vận động đang được các địa phương ở huyện Quỳ Châu quyết liệt thực hiện. Mỗi địa phương đang có những cách làm riêng phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Ông Sầm Thanh Hoài, Chủ tịch UBND xã Châu Tiến thông tin: Xã đang đẩy mạnh tuyên truyền đến tận học sinh, phụ huynh; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã; tổ chức tìm hiểu vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong các nhà trường và các thôn xóm, gắn với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Sắp tới, chúng tôi sẽ chú trọng tuyên truyền vào các trường hợp cá biệt như, học sinh có bố mẹ li hôn, bố mẹ đi làm ăn xa… phải ở với người thân.
Tuy nhiên, từ thực tế tình trạng tảo hôn ở Quỳ Châu cho thấy, đời sống của đồng bào DTTS huyện Quỳ Châu đang gặp nhiều khó khăn, thiếu việc làm, thu nhập không ổn định, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao (đến cuối năm 2022 là 37%)...Do vậy, ngoài tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, thì cốt lõi vẫn là tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo cho người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa.
Những giải pháp khác, đó là cũng cần tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho con em học sinh DTTS; chú trọng định hướng nghề nghiệp, phân luồng thật sát cho học sinh để các em được học đầy đủ, có nghề có nghiệp ổn định cuộc sống sau này. Có như vậy, mới giải quyết tận gốc vấn đề tảo hôn đang nhức nhối hiện nay.