Động lực giảm nghèo
Năm 2022 khép lại với niềm tin tưởng về bước đột phá mới cho vùng đồng bào DTTS và miền núi khi Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG) chính thức được triển khai. Sau thời gian gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, những tháng cuối năm Nhâm Dần, các địa phương đã đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn Chương trình MTQG, củng cố thêm niềm tin của đồng bào các dân tộc.
Ở “cửa ngõ” phía Tây Bắc của Tổ quốc, năm 2022, tỉnh Lào Cai triển khai 404 danh mục đầu tư thuộc Chương trình MTQG, với tổng vốn 382,187 tỷ đồng. Tính đến ngày 16/12/2022, toàn tỉnh đã giải ngân được gần 215,3 tỷ đồng, đạt 56,2% kế hoạch giao; ước giải ngân đến ngày 31/1/2023 đạt 100% kế hoạch. Tỉnh Sơn La cũng đang “tăng tốc” giải ngân vốn Chương trình MTQG. Tại thời điểm ngày 8/12/2022, tỉnh mới giải ngân được 8,04% kế hoạch thì đến ngày 20/12/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đã nâng lên thành 15,07% trong tổng vốn năm 2022 của Chương trình là hơn 1.205,5 tỷ đồng…
Điều này cho thấy quyết tâm rất cao của các địa phương trong thực hiện Chương trình MTQG, nhằm hiện thực hóa những kỳ vọng lớn lao đối với Chương trình đặc biệt này. Đúng như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã chia sẻ, đây là Chương trình nhận được nhiều kỳ vọng nhất từ trước đến nay của Đảng, Nhà nước và gần 100 triệu cử tri, người dân Việt Nam cũng như hơn 14,2 triệu đồng bào DTTS.
Kỳ vọng đầu tiên về Chương trình MTQG là tạo đột phá mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo; và kỳ vọng đó đang được hiện thực hóa. Cùng với một số chương trình, dự án khác thì vốn Chương trình MTQG đã và đang là động lực chính để giảm nghèo nhanh và bền vững cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Sau gần hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng kết thúc năm 2022, nhiều địa phương đã có thành tựu giảm nghèo ấn tượng. Như Lào Cai, năm 2022, HĐND tỉnh giao chỉ tiêu giảm 6% hộ nghèo thì kết thúc năm dự kiến đạt 7%; còn Sơn La, đầu năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 21,66% thì đến cuối năm giảm xuống còn 17,83%, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 – 2025…
“Nắn” dòng vốn đầu tư vào miền núi
Ngoài giảm nghèo, kỳ vọng vào Chương trình MTQG còn lớn lao hơn là rút ngắn khoảng cách phát triển giữa vùng đồng bào DTTS và miền núi với các vùng miền khác; trong đó có khoảng cách về thu hút đầu tư, bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận cơ hội phát triển bền vững.
Đóng góp ý kiến để thúc đẩy thu hút đầu tư vào vùng đồng bào DTTS và miền núi, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông khẳng định rằng, quan điểm đầu tư phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi là đầu tư cho phát triển bền vững. Để thực hiện mục tiêu này, ngân sách Nhà nước là nguồn lực đầu tư động lực, có tính định hướng để thu hút và thúc đẩy đầu tư từ khu vực tư nhân và các thành phần kinh tế khác vào vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Bởi vậy, trong Chương trình MTQG, 10 dự án thành phần được thiết kế theo hướng mở để tăng chất xúc tác thu hút đầu tư vào vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đó là đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi, bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch,… Trong đó, nội dung đầu tư cơ sở hạ tầng được quan tâm, với tổng vốn thực hiện lớn nhất trong các dự án đầu tư.
Điều này cũng là dễ hiểu bởi cơ sở hạ tầng là danh mục đầu tư cần nguồn vốn lớn; hơn nữa, đây là điều kiện cần để “nắn” dòng vốn ngoài ngân sách Nhà nước “chảy” vào miền núi. Đơn cử như một tỉnh khó như Bắc Kạn, giai đoạn 2016 – 2021, nhờ hạ tầng giao thông được đầu tư mà tỉnh đã thu hút được 91 dự án, với tổng vốn khoảng 6.080 tỷ đồng.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào vùng Trung du và miền núi phía Bắc (tháng 8/2022), Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng đã khẳng định, khi hạ tầng được hoàn thiện sẽ tạo nền tảng để miền núi thu hút đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước. Người đứng đầu ngành KH&ĐT cũng cho rằng, ngoài dòng vốn ngân sách thì cũng cần nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện một số chính sách nhằm phát huy các thế mạnh của vùng, nhất là cơ chế đặc thù ưu đãi thỏa đáng để thu hút đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước vào những địa bàn có sức hấp dẫn và cạnh tranh thấp so với cả nước.
Đây cũng là định hướng trong Chiến lược Công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong Chiến lược, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan đề xuất các chính sách đặc thù để khuyến khích, thu hút và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đồng thời xây dựng cơ chế chính sách, giải pháp ưu tiên huy động các nguồn lực (vốn ODA, vốn vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài) để thực hiện các mục tiêu đề ra.
Trong Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019, Bộ Chính trị yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương ưu tiên nguồn lực Nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là đường giao thông, công trình thuỷ lợi, chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá phải được kiên cố hóa… Bộ Chính trị đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 không còn địa bàn khó khăn.