Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG.
Thực hiện chương trình này, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) được giao nhiệm vụ thực hiện Dự án 10 về truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.
Hội nghị giới thiệu các chuyên đề tập huấn dành cho đại diện các cơ quan báo chí, truyền thông, gồm chuyên đề về "Một số chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS và miền núi tiếp cận thông tin giai đoạn 2021 - 2025" và "Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030".
Thông qua các chuyên đề, sẽ giúp tăng cường hơn nữa sự hiểu biết của các phóng viên, nhà báo về mục tiêu, nội dung của Chương trình MTQG, tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan báo chí. Từ đó, ngày càng nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ đồng bào DTTS tiếp cận thông tin.
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ TT&TT) cho biết, hiện nay người dân tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo không chỉ nghèo về vật chất, mà còn nghèo về thông tin. Do đó, việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ viễn thông tại những nơi này là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.
Theo ông Hải, hiện nay đã có một số chính sách giảm nghèo về thông tin, như: Cung cấp dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ viễn thông công ích, hỗ trợ báo chí cung cấp thông tin cho đồng bào DTTS và miền núi, hỗ trợ tiếp cận thông tin thông qua các Chương trình MTQG... Dù vậy, vẫn cần tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa các chính sách để đẩy mạnh công tác tuyên truyền Chương trình MTQG.
Tại Hội nghị, ông Đinh Xuân Thắng - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc) đã thông tin một số vấn đề cơ bản của Chương trình MTQG.
Theo ông Đinh Xuân Thắng, mục tiêu cụ thể của Chương trình là đến năm 2025, nâng mức thu nhập bình quân của người DTS, miền núi tăng gấp 2 lần; tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 3%; tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt trên 98%; độ tuổi tiểu học là trên 97% và 98% đồng bào DTTS tham gia BHYT.
Từ nay đến 2025, Chương trình sẽ tập trung truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Song song đó, kiểm tra, giám sát quá trình đánh giá tổ chức thực hiện Chương trình, nhất là hiệu quả về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển KT-XH.