Được tăng lương đáng nhẽ phải mừng, nhưng ngược lại, người lao động lại đang lo “sốt vó”. Bởi lương thì phải chờ hơn tuần nữa mới tăng, còn giá nhiều mặt hàng đã tăng từ tháng 5; nhiều hàng hóa thiết yếu khác cũng đang “rục rịch”, chờ lương tăng là… lên ngay!
Biểu hiện rõ nét nhất là, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 5 vừa qua tăng cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân dẫn tới mức tăng cao này là do có 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 1,72% (chủ yếu do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu trong tháng 5).
Đó chỉ mới là những thông số mang tính khái quát cho tương lai tăng giá. Còn cụ thể, mối lo về việc giá cả của một số sản phẩm, dịch vụ tăng lên đang hiện ra trước mắt.
Đó là giá xăng có thể tăng mạnh sau thời điểm 01/7, trong trường hợp mặt hàng này gánh thêm 1.000 đồng/lít thuế môi trường.
Đó là việc Bộ Y tế đã đưa ra lộ trình, từ ngày 01/7 tới sẽ thực hiện mức giá điều chỉnh một số dịch vụ y tế; trong đó xây dựng, ban hành mức giá khám-chữa bệnh, gồm chi phí trực tiếp, tiền lương theo mức lương cơ sở 1.390.000 đồng...
Và cũng rất thực tế là, đã rất nhiều lần, cứ mỗi dịp tăng lương lại là một “cột mốc” mới của giá cả thị trường, bởi trong nhiều nguyên nhân có công tác quản lý giá, quản lý thị trường chưa hiệu quả, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và của doanh nghiệp.
Đúng là “dậu đổ bìm leo”. Nỗi lo của người dân là hoàn toàn có cơ sở.
Một chuyên gia về lao động tiền lương từng cắt nghĩa: Có hai loại lương danh nghĩa (lương hằng tháng lĩnh được) và lương thực tế (từ số tiền một tháng đã lĩnh người lao động có thể mua được bao nhiêu thực phẩm, đồ dùng...). Trong hai khoản này, cái người lao động cần là lương thực tế và mức lương này phụ thuộc rất nhiều vào biến động giá cả trên thị trường.
Nếu lương danh nghĩa tăng mà mức độ tăng của giá cả cũng tăng nhanh hơn cả tốc độ tăng của lương danh nghĩa thì là vô nghĩa. Vậy thì điệp khúc “tăng lương-tăng lo” sẽ lại tiếp diễn?
Sỹ Hào