Phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa
Khu vực miền núi tỉnh Quang Nam là địa bàn sinh sống của nhiều DTTS. Kinh tế của người dân khu vực này chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp. Để chuyển đổi sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, những năm qua, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp cùng Sở KH&CN đã xây dựng và được UBND tỉnh phê duyệt, triển khai nhiều mô hình mới, đem lại hiệu quả trong thực tiễn.
Đơn cử, năm 2015 từ nguồn vốn sự nghiệp KHCN 90 triệu đồng, Ban Dân tộc tỉnh đã xây dựng mô hình nuôi cá nước ngọt cho đồng bào DTTS tại xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My; Sở KH&CN đã triển khai tập huấn kỹ thuật nuôi cá nước ngọt cho các hộ tham gia.
Theo ông Đặng Tấn Giản, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, mô hình đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận và nâng cao hiểu biết về nuôi thủy sản tại những vùng núi cao, điều kiện đi lại khó khăn, nhằm cung cấp nhu cầu thực phẩm tại chỗ, giúp người dân nâng cao và đa dạng hóa các nguồn thu nhập cho gia đình.
Không chỉ là các mô hình sinh kế, hoạt động KHCN ở các địa phương còn chú trọng các đề tài bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS. Những đề tài khoa học không chỉ phát huy giá trị trong ứng dụng, mà còn trở thành tư liệu quý cho lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc trong thời gian dài.
Đơn cử như Sóc Trăng, qua triển khai Đề tài “Phong tục - Lễ hội của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng”, tỉnh đã phục dựng được 30 phong tục và 6 lễ hội; đồng thời còn thể hiện được sự biến đổi của một số phong tục tập quán và lễ hội của đồng bào Khmer qua quá trình giao thoa văn hóa giữa 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Nâng cao năng lực cán bộ cơ sở
Theo đánh giá của các địa phương, các nghiên cứu khoa học trên tất cả các lĩnh vực khi ứng dụng vào thực tiễn ở địa phương đã góp phần nâng cao năng lực quản lý đối với đội ngũ cán bộ cơ sở. Tiếp cận với các mô hình mới, đội ngũ cán bộ cơ sở có thêm nhiều kiến thức trong quản lý, triển khai các chương trình phát triển KT-XH; đồng thời nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc.
Ngoài ra, ở một số địa phương đã triển khai các đề tài trực tiếp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là người DTTS. Như Cao Bằng, giai đoạn 2019 - 2020, tỉnh đã phối hợp với Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương thực hiện Đề tài Giải pháp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có trình độ cao cho đồng bào DTTS: Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô, các DTTS ít người khác tại tỉnh Cao Bằng thông qua hệ Dự bị đại học dân tộc.
Có thể khẳng định, thông qua việc triển khai thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về KH&CN đã từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống của người dân ở vùng DTTS và miền núi; tạo sự chuyển biến về tư duy, mô hình phát triển sản xuất; tạo điều kiện để người dân ở khu vực này ổn định và đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo bền vững.