Hàng hóa giả, tác hại thật
Từng là nạn nhân bị ngộ độc hạt dẻ và mứt trái cây, ông Nguyễn Văn H. ở Hoài Ân (Bình Định) cho biết: “Thấy đóng gói rất cẩn thận, lại rẻ, bán dọc đường nên tôi cùng nhiều người dân mua nhiều về sử dụng. Sau khi ăn thì đau bụng, nôn ói phải đến cơ sở y tế. Vào dịp đầu năm, các chuyến hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc thường cấp tập vận chuyển theo nhiều ngả đường, có khi bán ngay tại một số tụ điểm đông dân cư”.
Tương tự ông H, những ngày đầu năm 2021, bà Võ Thị Mỹ ở Nha Trang (Khánh Hòa) đã mua mứt trái cây không rõ nguồn gốc cho con ăn. Kết quả, bà phải đưa con đi điều trị viêm ruột, rối loạn tiêu hóa nhiều ngày do ăn mứt trái cây giá rẻ.
Trường hợp ông Hồng Thái (phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) tuổi cao, mắc bệnh phổi mãn tính. Ông Thái nhiều lần mua thực phẩm chức năng của những xe hàng đi bán dạo nhưng dùng không có hiệu quả mà ngày càng khó thở hơn. Nhờ người thân kiểm tra nhãn hiệu hàng hóa mới phát hiện bản thân đã mua phải hàng giả, hàng nhái .
Từ đầu tháng 2/2021, một số khách hàng cũng băn khoăn khi nhiều loại hàng hóa là thực phẩm chức năng, trực tiếp tác động đến sức khỏe người dùng của cửa hàng Nhuquynh’s Mart (Nha Trang) có dấu hiệu nhập lậu. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường Khánh Hòa đã vào cuộc kiểm tra đột xuất. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện cơ sở này đang kinh doanh 605 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nhập lậu. Cục Quản lý thị trường Khánh Hòa đã trình UBND tỉnh ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 90 triệu đồng; đồng thời buộc tiêu hủy 605 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nhập lậu với tổng giá trị hàng hóa vi phạm là trên 227 triệu đồng.
Từng cấp cứu vì dùng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, nhiều người dân tại tỉnh Bình Định cũng cho biết: Nếu không đến được các công ty uy tín để mua hàng thì cần kiểm tra kỹ các thông tin trên bao bì, mã vạch hàng hóa. Các sản phẩm cần có xuất xứ rõ ràng. Đó cũng là cách tránh mua phải các sản phẩm nhập lậu.
Quyết liệt truy quét
Trước thực trạng hàng hóa giả, không rõ nguồn gốc tuồn vào các địa phương và được bày bán tràn lan, lực lượng quản lý thị trường nhiều tỉnh vào cuộc truy quét mạnh mẽ. Cục Quản lý thị trường tỉnh Phú Yên khẳng định: Việc buôn hàng hóa nguy hại ngày càng tinh vi. Trong năm 2021, các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Phú Yên chú trọng kiểm soát hoạt động vận chuyển trái phép các mặt hàng phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, kinh doanh hàng giả và các mặt hàng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Cuối tháng 2/2021, Phú Yên đã tiêu hủy 11.410 bao thuốc lá điếu nhập lậu các loại. Trong số thuốc lá điếu bị tiêu hủy, nhiều nhất là thuốc lá nhãn hiệu Jet với gần 5.000 bao, tiếp đến là thuốc lá hiệu 555 với số lượng 4.144 bao, 587 bao hiệu Esse, 517 bao hiệu Hero. Ngoài ra còn nhiều loại thuốc lá khác như Caraven, Dunhill, Cohibial…
Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường Phú Yên cũng phối hợp với Phòng PC03, PC 08 Công an Phú Yên tiến hành kiểm tra phương tiện ô tô tải biển kiểm soát 75B-004.10 để kiểm tra và tạm giữ 5.700 chai sữa Ensure. Originalsatrition shake loại 237ml, xuất xứ Mỹ nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định.
Riêng từ cuối năm 2020 đến cuối tháng 2/2021, Đội Quản lý thị trường số 3 thuộc Cục quản lý thị trường Bình Định cũng đã phát hiện 15 vụ vi phạm hàng hóa. Nhiều sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc như, mứt trái cây, các loại hạt, mỹ phẩm, viên uống bổ dưỡng…
Theo Cục quản lý thị trường các địa phương thì, cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, người dân cũng tăng cường giám sát và phản ánh khi thấy có bất thường trong sản phẩm, hàng hóa. Các đội Quản lý thị trường phải nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện và có biện pháp ngăn chặn xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Kết hợp các hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng địa phương thực hiện tốt công tác ngăn chặn hàng hóa nguy hại.