Tuy nhiên, có một thứ mà vừa qua, Việt Nam tăng chóng mặt trong bảng xếp hạng, nhưng lại làm cho người trong cuộc cảm thấy ngại ngùng khi nhắc tới; thậm chí người có lương tri còn thấy xấu hổ, đáng suy ngẫm. Đó là tình trạng sử dụng rượu bia.
Năm 2010, Việt Nam đứng thứ 94 trong danh sách các quốc gia dùng nhiều rượu bia trên thế giới. Nhưng đến năm 2016, thứ bậc này đã nhảy lên xếp hạng thứ 60. Một sự “thăng hạng” đáng buồn hơn đáng vui. Và gần đây, Việt Nam đã leo đến vị trí thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á/Tây Thái Bình Dương và xếp thứ 10 ở châu Á và thứ 29 thế giới.
Ở góc nhìn kinh tế, khi thu nhập của người dân tăng lên thì chi phí cho sinh hoạt như ăn uống cũng tăng theo. Do đó, việc người dân Việt Nam tăng số lượng sử dụng rượu bia cũng phần nào phản ảnh hiện trạng này.
Nhưng liệu một đốm sáng lẻ loi đó, có đủ sức “biện hộ” cho sự “tàn phá” mà chất kích thích này gây ra. Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, năm 2017, trên địa bàn cả nước đã xảy ra hơn 20 ngàn vụ tai nạn giao thông làm hơn 8 ngàn người chết, gần 6 ngàn người bị thương. Đi sau rượu bia, còn là các tệ nạn xã hội như bạo lực gia đình, mại dâm… Rượu bia cũng là chất độc hại bào mòn cơ thể người sử dụng… Như vậy, có thể thấy tình trạng lạm dụng rượu bia là điều vô cùng đáng buồn ở Việt Nam.
So với bình diện quốc gia, ở góc độ cá nhân không có gì khác về bản chất. Tuy nhiên, có một điều khác biệt là, chúng ta có thể đứng trên diễn đàn hội nghị phê phán; thậm chí lên án vấn đề rượu bia. Nhưng ít có ai có thể thẳng thắn lên tiếng ngăn cản một cá nhân nào đó trong một buổi nhậu. Không ít người hiện nay, vẫn lấy “tửu lượng” để khoe “tài”, khoe mẽ. Thậm chí, khi người uống không “hưởng ứng”, họ có thể bị coi thường, cô lập. Đặc biệt, thời gian vừa qua có nhiều vụ án mạng xảy ra chỉ vì một lý do không đâu là “mời mà không thèm uống”.
Dẫu biết rằng, rượu bia là chất kích thích làm tăng độ hưng phấn trong mỗi cuộc vui. Nhưng việc gì quá đà cũng đưa đến các hậu quả không mấy tốt đẹp. Vì vậy, thời gian tới trong các cuộc vui, hy vọng rằng, mỗi thành viên có thể nhắc nhau: “vui thôi, đừng vui quá.”
KẺ SĨ