Nguy cơ mất mùa, thất thu
Những năm qua, nhờ những bước đi vững chắc, cây cà phê ở Sơn La đã khẳng định được, đây là một trong những cây trồng có vị thế số một tại một số địa phương của tỉnh Sơn La. Qua thực tế cho thấy, việc quy hoạch và vạch ra chiến lược phát triển rõ ràng đối với cây cà phê thời gian qua ở Sơn La đã giúp cho nhiều người dân trồng cà phê thu nhập cao và giảm nghèo tại nhiều cơ sở, tạo nên những vùng trồng tập trung quy mô lớn với giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, từ năm 1999 đến nay, người trồng cà phê ở Sơn La đã phải gánh chịu nhiều đợt sương muối, khiến cho hàng ngàn héc ta cà phê bị ảnh hưởng nặng nề hoặc phải đốn bỏ, diện tích trồng cà phê bị sụt giảm nhiều.
Những ngày này, ông Nguyễn Đức Thặng, bản Chiềng Yên 2, xã Chiềng Cọ, Tp. Sơn La cũng có mặt tại khu trồng cà phê rộng hơn 1 ha của gia đình mình. Công việc ông làm trong những ngày này, là cắt tỉa những cành cà phê bị cháy lá do sương muối, hay cưa đốn những cây bị ảnh hưởng nặng. Nhiều diện tích cà phê trong bản và các bản lân cận đều bị ảnh hưởng bởi đợt sương muối vừa qua, dẫn tới cà phê bị khô héo, cháy lá, khô cành...
Ông Nguyễn Đức Thặng chia sẻ: Năm 2019, do ảnh hưởng của sương muối, toàn bộ diện tích cà phê của các hộ dân trong vùng, trong đó gia đình ông có 1 ha phải đốn hết đến gốc, toàn bộ các hộ đều bị thất thu. Sau khi đốn hết toàn bộ diện tích trồng cà phê theo hướng dẫn của cán bộ Khuyến nông, thì đến năm 2022 mới cho thu hoạch được một ít. Cũng do bị ảnh hưởng của đợt sương muối năm 2019 nên việc thu hoạch đến nay chưa đạt được sản lượng tối đa.
"Tuy nhiên, vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2 vừa rồi, lại tiếp tục bị sương muối. Như nhà tôi đợt này bị ảnh hưởng khoảng 30%, nhiều hộ ở các bản lân cận bị ảnh hưởng nặng hơn. Chúng tôi rất lo lắng vì dự báo sẽ còn đợt rét đậm kèm sương muối nữa. Cứ tình hình thời tiết diễn biến phức tạp như này, thì người trồng cà phê sẽ tiếp tục thất thu”, ông Thặng nói.
Mặc dù đã được cán bộ Khuyến nông Tp. Sơn La hướng dẫn cắt tỉa lá, cành bị táp do sương muối, nhưng nhiều hộ dân ở khu Phiêng Khoang, bản Hôm Yên, xã Chiềng Cọ vẫn chưa tiến hành cắt tỉa. Bởi những người trồng cà phê vùng này muốn chờ xem diễn biến thời tiết thế nào để cắt tỉa một thể.
Mỗi lần phải cưa tận gốc thì 3 năm sau cà phê mới có thể cho thu hoạch quả, khiến nhiều hộ dân lo ngại vì nguy cơ thất thu. Bà Lèo Thị Xuân, bản Hôm Yên, cho biết: “Nhà tôi có 4.800 m2 đất canh tác cà phê. Với thiệt hại như thế này thì nguy cơ gia đình tôi tiếp tục thất thu là khó tránh khỏi”.
Diện tích 2,4 ha cà phê nhà anh Lò Văn Út, cũng là hộ nằm trong diện phải cưa tận gốc toàn bộ diện tích cà phê do ảnh hưởng sương muối năm 2019, năm nay cà phê của gia đình anh Lò Văn Út sẽ phải cưa bỏ tận gốc một nửa diện tích.
Anh Lò Văn Út, nói: “Sau 3 năm chăm sóc, phục hồi lại diện tích và vụ 2022 thu được 8 tấn quả tươi. Gia đình cũng đã trồng xen một số hoa màu, nhưng năm nay tất cả vườn cây nhà tôi chuẩn bị ra hoa đều bị ảnh hưởng bởi sương muối, cà phê thì vàng lá và khô héo nguy cơ sẽ lại thất thu”.
Cần giải pháp hiệu quả hơn cho người nông dân
Theo thống kê sơ bộ của UBND các xã, đợt sương muối vừa qua đã gây ảnh hưởng khoảng 20 ha cà phê tại các bản của xã Chiềng Cọ, Chiềng Cơi của Tp. Sơn La. Trong đó, nhiều diện tích bị ảnh hưởng trên 70% cần phải cưa đốn, còn lại bị ảnh hưởng từ 30 - 70% với hiện trạng cây đang bị táp lá.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp đánh giá, từ khi công trình Thủy điện Sơn La được xây dựng, hiện tượng sương mối đã giảm rõ rệt, thuận lợi cho việc trồng cà phê. Với hơn 17.000 ha cà phê được trồng tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Sơn La đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh, theo chuỗi liên kết sản xuất... Tuy nhiên, cần có chính sách phù hợp để hỗ trợ các hộ trồng cà phê chuyển đổi sang cà phê giống mới có khả năng chịu được thời tiết khắc nghiệt tốt hơn, nhất là sương muối.
Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND Tp. Sơn La, thông tin: Ngay sau khi có đợt sương muối xảy ra, UBND Tp. Sơn La đã chỉ đạo các phòng ban, đơn vị chuyên môn và UBND các xã phường rà soát, thống kê diện tích, đánh giá mức độ cây trồng bị thiệt hại để hỗ trợ cho bà con. Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố phối hợp với các xã, phường phân công cán bộ xuống cơ sở tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân thực hiện các biện pháp khắc phục thiệt hại do sương muối gây ra đối với cây trồng và vận động người dân chuyển đổi giống cà phê mới có khả năng chịu được sương muối tốt hơn.
Lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Tp. Sơn La cho hay, thời gian tới, Trung tâm sẽ tập trung tuyên truyền, vận động người dân cấy ghép giống cà phê mới có sức chống chịu sương muối tốt hơn. Trước mắt, Trung tâm đang hướng dẫn người dân dùng nylon loại trong suốt che phủ tạo hiệu ứng trong những ngày rét đậm, rét hại đối với vườn cà phê giống. Hàng ngày tưới đủ ẩm, ủ gốc bằng mùn, rơm, rạ để giữ ấm và giữ ẩm cho cây. Khi có hiện tượng sương muối tiến hành hun khói, phun nước vào buổi sáng để bảo vệ vườn giống cây cà phê.
Đối với vườn cà phê trồng mới, dùng các loại tàn dư thực vật để che gốc cho cây cà phê con; tiến hành hun khói ở đầu hướng gió hoặc tưới nước cho cây cà phê (với những vùng có điều kiện nước tưới) vào buổi sáng khi có sương muối. Nếu tỷ lệ ảnh hưởng thấp, cần tiếp tục chăm sóc và trồng dặm. Nếu vườn bị nặng, khả năng phục hồi kém, cần tiến hành trồng lại bằng giống mới.
Ông Quàng Văn Địa, Phó trưởng bản Hôm, xã Chiềng Cọ, cho biết: Theo hướng dẫn, các vườn cây bị nặng (tất cả các cây có lá và cành bị táp đen - PV), chúng tôi đã cùng cán bộ kỹ thuật của thành phố hướng dẫn người dân dùng cưa cắt bỏ toàn bộ thân chính của những cây bị ảnh hưởng nặng, vị trí cắt cách mặt đất 15 - 20cm, vết cưa nghiêng 45o, vết cắt phải phẳng, nghiêng từ Đông sang Tây, phần cắt phía Đông cao hơn phía Tây để buổi chiều ánh nắng mặt trời không làm khô gốc cây. Sau khi cắt, dùng vôi bột hòa nước quét lên vết cắt, thu gom cành lá làm vật liệu ủ gốc để giữ ấm, ẩm... Tới đây, bản sẽ vận động các hộ cấy ghép giống mới chịu được sương muối đối với những diện tích phải cưa đốn gốc”.
Được biết, sau đợt sương muối những năm trước, nhiều đơn vị khoa học, trong đó đặc biệt có Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, đã cử nhiều cán bộ trực tiếp lên Sơn La nghiên cứu kỹ về bản đồ sương muối; kết hợp tiếp tục điều tra về điều kiện thổ nhưỡng cho cây cà phê tại Sơn La. Qua đó, đưa ra những khuyến cáo về quy hoạch phát triển theo từng tiểu vùng khí hậu phù hợp cho cây cà phê.
Đồng thời, tỉnh Sơn La đã tổ chức hàng trăm lớp bồi dưỡng về kiến thức, kỹ thuật canh tác cà phê cho nông dân tại các vùng có điều kiện phát triển cây cà phê theo định hướng. Tuy nhiên, sau đó vẫn xảy ra tình trạng sương muối khiến cho diện tích cà phê ở Sơn La bị ảnh hưởng và sụt giảm về diện tích do quy hoạch vùng còn hạn chế.