Vun đắp khối đại đoàn kết
Thuận Châu là có 29 xã, thị trấn, trong đó có 24 xã vùng III đặc biệt khó khăn, với 6 dân tộc anh em cùng sinh sống. Điều kiện hạ tầng cơ sở, giao thông đi lại còn nhiều hạn chế, trình độ dân trí không đồng đều nên trước đây, không ít người dân còn hạn chế trong nhận thức pháp luật, vi phạm các chính sách của Đảng, Nhà nước, gây mất trật tự xã hội.
Theo ông Đinh Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, một trong những khó khăn khi đưa luật về với đồng bào DTTD là bà con thường coi trọng và làm theo tập quán, luật lệ của dân tộc mình, nên khó tiếp nhận và thực hiện theo các quy định mới. Trong khi đó, các bộ luật hiện hành với nhiều chương, điều dẫn đến tình trạng người dân ngại đọc, ngại tìm hiểu, từ đó chưa có ý thức cao trong chấp hành pháp luật.
Xác định nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để thực thi hiệu quả chính sách dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nên những năm qua, huyện Thuận Châu đã tích cực đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động và PBGDPL. Từ năm 2016 đến nay, huyện Thuận Châu đã tổ chức hơn 550 hoạt động tuyên truyền, PBGDPL tại các xã, thị trấn, với sự tham gia của gần 6,5 vạn lượt người. Không dừng lại ở truyền thông tại các hội nghị, Hội đồng PBGDPL huyện Thuận Châu còn chú trọng đổi mới hoạt động truyền thông để người dân dễ tiếp cận hơn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, ông Đinh Mạnh Hùng, thông tin thêm, trong quá trình tuyên truyền, vận động và PBGDPL, cấp ủy, chính quyền huyện Thuận Châu luôn chú trọng đặc điểm địa bàn và đối tượng tuyên truyền để có hình thức tuyên truyền phù hợp, nhất là trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Toàn huyện hiện có 3 tôn giáo chính là Phật giáo, Tin Lành và Công giáo hoạt động ổn định; các tín đồ cơ bản chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đơn cử như xã Co Mạ, toàn xã có 57 hộ, 275 nhân khẩu tại 11 bản theo đạo Tin lành Liên hữu Cơ đốc Việt Nam. Với việc thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc, chính sách về tôn giáo; công tác tuyên truyền, vận động và PBGDPL được thực hiện thường xuyên, liên tục, với hình thức phù hợp nên đồng bào theo và không theo đạo ở xã Co Mạ đồng sức, đồng lòng, đoàn kết thống nhất trong cộng đồng.
Theo ông Bạc Cầm Cảm - Phó Chủ tịch UBND xã Co Mạ, để đồng bào DTTS trên địa bàn xã hiểu rõ các quy định pháp luật thì phải cho bà con “mắt thấy tai nghe”, tự mình trải nghiệm. Như việc tuyên truyền bà con không sử dụng các loại súng săn tự chế hoặc không đánh bắt tận diệt thủy sản bằng các loại kích nổ, phóng điện..., địa phương không chỉ phối hợp phổ biến các quy định của pháp luật, mà phải có sự vào cuộc của lực lượng Công an. Xuống tận xóm, bản tuyên truyền, ký cam kết; có trường hợp phải xử phạt tại chỗ, tịch thu máy móc, phương tiện thì bà con mới dần hiểu và chấp hành đúng quy định.
Nhiều dấu ấn trong PBGDPL
Cũng như huyện Thuận Châu, những năm qua, công tác tuyên truyền, vận động và PBGDPL được các địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng triển khai, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, từ đó đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Qua 10 năm (2012 - 2022) triển khai Luật PBGDPL năm 2012, toàn tỉnh đã tổ chức trực tiếp trên 74.700 hội nghị tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, 264 cuộc thi với trên 100.000 lượt người tham gia; biên soạn, phát hành hơn 4 triệu tài liệu tuyên truyền.
Với Cơ quan Công tác dân tộc, theo Báo cáo số 251/BC-BDT ngày 21/9/2022 của Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, trong 10 năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các ngành và UBND các huyện tổ chức 22 hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác dân tộc cho 1.048 học viên là cán bộ ở các thôn bản đặc biệt khó khăn của toàn tỉnh; tổ chức 10 hội nghị phổ biến cung cấp thông tin cho 670 lượt Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS.
Theo ông Lường Văn Toán - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, đối với đồng bào DTTS vùng cao, vùng sâu, vùng xa, không thể giảng luật một cách thuần túy, mà phải theo hình thức mưa dầm thấm lâu, truyền thông theo nhóm hoặc tận mắt chứng kiến. Chỉ khi đó, người dân mới thực sự hiểu và tự giác chấp hành pháp luật. Do vậy, trong công tác tuyên truyền, vận động, PBGDPL, tỉnh đặc biệt coi trọng việc phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, Người có uy tín để giúp người dân tiếp cận luật.
Bên cạnh truyền thông qua hội nghị, qua đội ngũ Người có uy tín, trong 10 năm qua, Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, cũng đã tổ chức 44 cuộc thi tìm hiểu, tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, nhận thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thông qua hoạt động ngoại khóa của các trường phổ thông dân tộc bán trú và dân tộc nội trú tại các xã trong tỉnh.
Các cuộc thi đã thu hút trên 15.500 cán bộ giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh tham gia... Ban Dân tộc cũng đã biên soạn, in ấn, phát hành nhiều tờ rơi, tờ gấp với nội dung tuyên truyền về các hình thức xử lý hành chính, hình sự đối với tội sử dụng, tàng trữ, buôn bán chất ma túy; về giới tính, giới và bình đẳng giới; về phòng, chống bạo lực gia đình...
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban Dân tộc tỉnh Sơn La trong thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” là sẽ phối hợp với các ngành liên quan nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, bảo đảm hỗ trợ việc tiếp cận pháp luật, đặc biệt trong hoạt động giải quyết các công việc liên quan trực tiếp đến người dân; trọng tâm là xây dựng, triển khai chương trình bồi dưỡng, tập huấn theo định kỳ và tổ chức hội thảo, tọa đàm, cuộc thi chuyên môn nghiệp vụ, chú trọng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật người DTTS, Người có uy tín tại cộng đồng.
Việc triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động và PBGDPL đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho Nhân dân, tăng cường khối Đại đoàn kết, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững. Đơn cử như huyện Thuận Châu, những năm qua, với khối Đại đoàn kết được tăng cường, các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS được triển khai đồng bộ và hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn.
Từ nguồn lực của các chương trình, dự án, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, huyện Thuận Châu xây dựng các mô hình kinh tế tiêu biểu để nhân rộng. Từ năm 2021 đến nay, toàn huyện đã hướng dẫn, giúp đỡ 1.425 hộ nghèo phát triển sản xuất; 145 hộ được hỗ trợ con giống, tiền mặt, tổng giá trị 97 triệu đồng. Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải ngân cho 78 hộ nghèo, cận nghèo vay 5,9 tỷ đồng để đầu tư sản xuất. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Thuận Châu giảm xuống còn 32,2% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022- 2025 (giảm 5,4% so với năm 2021), hộ cận nghèo còn 16,6% (giảm 1,3% so với năm 2021)
Theo ông Lường Văn Toán, Ban Dân tộc tỉnh cũng như các sở ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và PBGDPL; thực hiện có hiệu quả Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” theo Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Với riêng Ban Dân tộc tỉnh, Ban đã xây dựng Kế hoạch số 91/KH-BDT ngày 3/10/2022 để triển khai thực hiện Đề án; thời gian thực hiện hằng năm, trong giai đoạn 2023 - 2030.
“Mục tiêu của Kế hoạch là tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tuân theo pháp luật, sử dụng pháp luật của người dân để thực hiện quyền, bảo vệ lợi ích hợp pháp, hình thành thói quen, văn hóa sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, ông Toán cho biết.