Xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu (Sơn La) nằm dưới chân đèo Pha Đin huyền thoại. Được thiên nhiên ưu đãi cho khí hậu và nguồn nước rất thích hợp với cây chè. Vì vậy, những năm qua, việc phát triển cây chè đã được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm.
Được biết, để phát huy tiềm năng và thế mạnh của cây chè, đáp ứng yêu cầu hội nhập, những năm gần đây, nhiều công ty, doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh chè đã tham gia hợp tác, xây dựng mô hình hướng dẫn người trồng chè ở Phổng Lái ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại theo tiêu chuẩn VietGAP. Điển hình là các đơn vị: Công ty TNHH nông sản Thân Nga, Công ty chè Thu Đan, Hợp tác xã chè Phổng Lái, HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận…
Trong mô hình này, doanh nghiệp đóng vai trò nhà đầu tư, người tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật và đảm bảo thị trường tiêu thụ. Người dân được hỗ trợ một phần chi phí đầu tư cơ bản ban đầu, chi phí lao động và sản xuất trên đất của họ và được bao tiêu sản phẩm. Nhờ đó, người dân đã chủ động chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tập trung đầu tư vào chăn nuôi bò, lợn; trồng cây công nghiệp chè, cà phê; cây ăn quả, chủ yếu là nhãn ghép, xoài ghép, bơ; cây dược liệu là cây sa nhân.
Đến thăm HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, chúng tôi chứng kiến một khung cảnh nhộn nhịp, tấp nập. Rất nhiều nông dân chở chè đến nhập cho HTX. Anh Nguyễn Văn Khiêm, Giám đốc HTX cho biết: HTX đang bao tiêu sản phẩm chè búp tươi cho các hộ dân xã Phổng Lái, Phổng Lập, Chiềng Pha và Mường É. Thời gian qua, HTX phát triển rất tốt nhờ có sự liên kết giữa nông dân và HTX; bà con tin tưởng và tự đến đăng ký hợp đồng với HTX bao tiêu sản phẩm. Dây chuyền sản xuất của HTX hiện đang có công suất 20 tấn chè búp tươi/ngày, tương đương với khoảng 4 tấn chè khô thành phẩm. Trung bình mỗi năm bao tiêu khoảng 2.500 tấn chè búp tươi cho bà con, sản xuất 500 tấn chè khô xuất ra thị trường.
Nhờ sự hợp tác này, hiệu quả kinh tế thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh chè đã được nâng lên rõ rệt. Toàn xã Phổng Lái hiện có hơn 300ha chè, trong đó diện tích đang cho thu hoạch là trên 250ha chè các loại. Năng suất bình quân đạt 9 tấn/ha. Chất lượng sản phẩm chè được đánh giá cao; 80% chè khô được bao tiêu đầu ra.
Chị Lò Thị Von cho biết, nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn của cán bộ xã, huyện trong việc sản xuất cây chè sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu bừa bãi, những năm gần đây, các hộ trồng chè trong bản đã có thu nhập khá. Cây chè đã giúp bà con nâng cao thu nhập và có điều kiện chăm lo cho bọn trẻ học hành, mọi người đều yên tâm sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Báu, Bí thư Đảng ủy xã Phổng Lái thông tin, hiện trên địa bàn xã có hàng chục doanh nghiệp, HTX hoạt động sản xuất kinh doanh chế biến, thu mua nông sản, thủy sản đã và đang liên kết nhiều hộ nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất, tạo ra nguồn thu nhập ổn định. Việc liên kết giữa những người sản xuất, các đơn vị kinh doanh với nhau theo mô hình các HTX, tổ hợp tác kiểu mới đã và đang sản xuất và kinh doanh khá hiệu quả, hỗ trợ tốt cho sự phát triển kinh tế hộ gia đình xã viên.
HOÀNG QUÝ