“Đòn bẩy” cho xã nghèo
Chiềng Khay là 1 trong 4 xã khu vực III của huyện Quỳnh Nhai giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg. Toàn xã có 1.586 hộ, 100% là đồng bào DTTS, sinh sống tại 11 bản, trong đó có 10 bản thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Với xuất phát điểm đó, việc huyện Quỳnh Nhai phấn đấu đưa xã Chiềng Khay “về đích” nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2024 có thể xem là một mục tiêu không hề dễ dàng. Trước đó, Chiềng Khay cũng đã đặt mục tiêu về đích NTM vào năm 2022, nhưng không thực hiện được.
Năm 2024 đã ghi nhận bước đột phá của Chiềng Khay trong xây dựng NTM. Tại thời điểm tháng 5/2024, xã mới đạt 13/19 tiêu chí, 45/57 chỉ tiêu thì đến tháng 11/2024, Chiềng Khay đã hoàn thành 8/19 tiêu chí, 56/57 chỉ tiêu xã NTM; còn thiếu tiêu chí thu nhập dự kiến sẽ đạt cuối năm này để “về đích” NKTM đúng hẹn.
Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Sơn La có 126 xã khu vực III. Đến đầu năm 2024, toàn tỉnh giảm được 10 xã khu vực III và 171 thôn đặc biệt khó khăn; dự kiến hết năm 2024 sẽ có thêm 8 xã thoát nghèo khi “về đích” NTM.
Theo ông Bùi Đình Hải, Chủ tịch UBND xã Chiềng Khay, một trong những động lực thúc đẩy tiến độ xây dựng NTM của xã là nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình MTQG 1719.
Từ nguồn vốn ngân sách và sự đóng góp của Nhân dân, trong năm 2024, xã đã bê tông hóa 21 tuyến đường giao thông nông thôn; được bố trí vốn để xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung; sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, nhà văn hóa bản..., góp phần hoàn thiện hạ tầng nông thôn.
Chiềng Khay là một trong 202 xã thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và là một trong 126 xã khu vực III của tỉnh Sơn La được thụ hưởng nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719. Nguồn lực của chương trình đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi ở các địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, từ năm 2022 đến nay, thực hiện Chương trình MTQG 1719 toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 743 công trình giao thông, nước sinh hoạt tập trung, giáo dục, nhà văn hóa..., ở các địa bàn đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã tự nguyện hiến đất, trực tiếp đóng góp hàng nghìn ngày công, vật liệu làm đường bê tông nông thôn.
Riêng trong năm 2024, toàn tỉnh thực hiện đầu tư 2 trạm y tế xã đạt chuẩn, 66 công trình nhà lớp học, 132 công trình thủy lợi và duy tu bảo dưỡng 291 công trình trên địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh.
Nhờ đó, hiện 100% số xã trong tỉnh đã cứng hóa đường giao thông đến trung tâm xã; số thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm đạt 85%. Dự kiến đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 74 xã đạt chuẩn NTM, tăng 33 xã so với năm 2019; trong đó có 10 xã NTM nâng cao.
Động lực tăng trưởng
Sự phát triển ở các địa bàn đặc biệt khó khăn đã và đang đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của tỉnh Sơn La. Báo cáo của UBND tỉnh tại kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh Sơn La ngày 05/12/2024 cho thấy, tỉnh hoàn thành, đạt và vượt 25/28 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024.
Cũng theo báo cáo của UBND tỉnh Sơn La, năm 2024, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phấn đấu vươn lên, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Đặc biệt, các chương trình công tác tại các địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh đã được triển khai kịp thời, hiệu qur, góp phần giảm tỷ lệ nghèo đạt mục tiêu đề ra. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 14,17% năm 2023 xuống còn 11,17% năm 2024.
Đây là nền tảng quan trọng để tỉnh Sơn La hoàn thành mục tiêu năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 8,17%. Đồng thời hướng tới đạt mục tiêu toàn tỉnh có 44% số xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2025.
Hết năm 2024, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Sơn La đạt 96,1%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ước đạt 99%; GRDP bình quân đầu người đạt trên 56,84 triệu đồng/năm.
Cùng với hàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, đời sống, từ vốn Chương trình MTQG 1719, tỉnh Sơn La đã và đang đầu tư hoàn thiện thiết chế văn hóa, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đồng bào các DTTS.
Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Sơn La cho thấy, giai đoạn 2022 – 2024, toàn tỉnh bố trí hơn 200 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 để sửa chữa, đầu tư xây dựng mới 191 nhà văn hóa xã, thôn bản; Qua đó, nâng tỷ lệ bản trong toàn tỉnh có nhà sinh hoạt cộng đồng lên 92,43%, tương đương với 2.320 bản có nhà văn hóa, có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống.
Kết quả đó, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào các DTTS; đồng thời, giúp các địa phương hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM.
Theo ông Lường Văn Toán, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ 96,85% số bản có nhà văn hóa; các đội văn hóa, văn nghệ, câu lạc bộ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.
Để đạt mục tiêu này, thời gian tới, Ban Dân tộc tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các huyện, thành phố chỉ đạo rà soát, đánh giá các công trình nhà văn hóa xã, bản trên địa bàn, tham mưu với UBND tỉnh bố trí nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719 để đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa, xã bản.
“Trong đó, tỉnh tiếp tục ưu tiên đối với các xã đang hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới, các bản vùng đặc biệt khó khăn, bản nhiều đồng bào DTTS và vừa thực hiện sáp nhập”, ông Toán chia sẻ.
Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Sơn La được giao 6.154,924 tỷ đồng để thực hiện 10/10 dự án thành phần của Chương trình MTQG 1719. Riêng năm 2024, vốn giao của tỉnh là 1.560,02 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 1.485,73 tỷ đồng); trong đó tổng vốn đầu tư giao là gần 916 tỷ đồng (hơn 872 tỷ đồng ngân sách Trung ương).