Nắm bắt kịp thời thông tin, đồng bào có việc làm ổn định
Là một trong những gia đình được thụ hưởng chính sách từ Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5- Chương trình MTQG 1719, chị Kim Thị Ngọc (trú tại ấp Âu Thọ A, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) có 2 con đều cho đi du học tại Đài Loan (Trung Quốc) theo chương trình vừa học vừa làm.
Nắm bắt được thông tin về chính sách giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động qua công tác tuyên truyền từ chính quyền địa phương, sau khi con trai học xong lớp cấp II, chị Ngọc cho con sang Đài Loan (Trung Quốc) học phổ thông nghề công nghệ thực phẩm. Do vừa học vừa làm nên gia đình chị Ngọc không phải lo chi phí ăn học. Khi học xong sẽ tiếp tục ở lại làm việc. Đầu năm 2023, con gái chị sau khi tốt nghiệp THPT tiếp tục theo chương trình này sang Đài Loan làm việc.
Chị Ngọc chia sẻ: “Được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, và trợ lực từ các chương trình, chính sách mà đồng bào DTTS chúng tôi có thêm cơ hội nghề nghiệp, việc làm để nâng cao thu nhập, nhất là lớp trẻ mới bắt đầu khởi nghiệp”.
Còn anh Châu Tuấn, ở ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Cũng nhờ chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh về lao động, việc làm, con trai của gia đình anh có cơ hội đi nước ngoài theo chương trình vừa học vừa làm. Với mức lương 40 triệu đồng/tháng, 4 năm qua, gia đình anh không phải lo học phí cho con.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng, đa số lao động DTTS đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đều có việc làm ổn định, thu nhập khá, giúp các hộ gia đình thoát nghèo và trở nên khấm khá. Hiện nay, toàn tỉnh Sóc Trăng đã có trên 500 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đối với chương trình du học sinh vừa học, vừa làm tại Đài Loan (Trung Quốc) đã có trên 100 học sinh tham gia chương trình…
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Thời gian qua, để giúp lao động DTTS tiếp cận với thông tin chính sách hỗ trợ đào tạo nghề gắn với thị trường lao động, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng, đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều Kế hoạch thực hiện công tác truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp cũng được ngành tham mưu đưa vào Kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025 và hàng năm. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các chính sách như: chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng; chính sách hỗ trợ đào tạo lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Trong 2 năm 2022 và 2023, với nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương thực hiện Tiểu Dự án 3 và nguồn vốn sự nghiệp ngân sách tỉnh giao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức 21 cuộc tuyên truyền về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, việc làm cho người lao động vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, với 5.350 lượt người tham gia.
Riêng trong năm 2024, Sở cũng đã tổ chức được 39 cuộc tuyên truyền về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, việc làm, thu hút 1.950 người lao động vùng đồng bào DTTS trên địa bàn toàn tỉnh tham gia.
Bên cạnh việc tuyên truyền trực tiếp, đơn vị còn phối hợp, đăng tải thông tin về các chính sách giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng (báo/đài) để người lao động DTTS có thể tiếp cận thông tin nhanh hơn.
Bà Lục Bích Phúc, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Sóc Trăng cho biết: Thực hiện Tiểu dự án 3 - Dự án 5 thuộc Chương trình MTQG 1719, tỉnh xác định công tác giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm là nhiệm vụ rất quan trọng. Trong đó, việc giúp đỡ người lao động tiếp cận với thông tin chính sách hỗ trợ đào tạo nghề gắn với thị trường lao động đã giúp họ có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, đời sống của người lao động, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững.
Đồng thời, giúp cho người lao động tiếp cận được với những tiến bộ của khoa học, công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, bà Phúc nói.
Nhờ các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm, thời gian qua, tình hình kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên; tỉnh thực hiện đạt, vượt mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Giai đoạn 2021-2024, bình quân giảm nghèo từ 2%/năm đến 3%/năm.