Định Hoá là huyện miền núi khó khăn nhất của tỉnh Thái Nguyên, với tỷ lệ đồng bào người DTTS cao chiếm trên 70%. Thời gian qua, xác định đào tạo và giải quyết việc làm là cơ hội, để người dân thoát nghèo nhanh và bền vững, huyện Định Hoá (tỉnh Thái Nguyên) đã và đang đẩy mạnh triển khai các nội dung Tiểu dự án 4.3 "Hỗ trợ việc làm bền vững" cho lao động nghèo thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025.
Với mục tiêu kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ học sinh, thanh niên, người lao động có nhu cầu việc làm được tiếp cận thông tin về lĩnh vực lao động, việc làm, xuất khẩu lao động, học nghề; tạo sự kết nối trong công tác đào tạo, hướng nghiệp cho các em học sinh khối THPT, đồng thời giúp các em có cơ hội tiếp cận với các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, huyện Định Hoá đã triển khai đồng bộ các giải pháp, như: Tổ chức ngày hội việc làm, dành nguồn lực cho kết nối việc làm; công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được huyện triển khai, thực hiện có hiệu quả.
Ông Phạm Quang Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên, chia sẻ: Công tác tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện được Huyện ủy - HĐND - UBND xác định là một nhiệm vụ quan trọng, là điều kiện quyết định tới trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Nếu không giải quyết tốt việc làm cho lực lượng lao động sẽ gây ra tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, đó chính là nguyên nhân gây ra đói nghèo, làm cho kinh tế - xã hội chậm phát triển. Chính vì vậy, địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp, nhằm đẩy mạnh và tăng cường việc kết nối cung cầu lao động, đặc biệt là đối với các lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Theo thống kê, hàng năm, huyện Định Hoá đã đào tạo, liên kết đào tạo nghề cho trên 250 lao động nông thôn. Các nghề đào tạo được lựa chọn dựa trên điều kiện thực tế và các thế mạnh của huyện. Quá trình dạy nghề chú trọng vào thực hành nghề, tích hợp giữa lý thuyết và thực hành, để nâng cao kỹ năng nghề cho lao động nông thôn. Học viên sau khi học nghề đều có việc làm với thu nhập ổn định, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu lao động của huyện.
Để cung ứng nguồn lao động cho các doanh nghiệp, huyện Định Hoá đã lựa chọn, giới thiệu các doanh nghiệp có đủ điều kiện trực tiếp thực hiện tuyển dụng lao động trên địa bàn huyện.
Song song với đó, huyện còn kết nghĩa với Công ty TNHH Samsung Electronic Thái Nguyên và thường xuyên cung cấp lao động làm việc tại Công ty. Công tác giới thiệu các đơn vị tuyển chọn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được chú trọng.
Anh Ma Văn Hoàng (ở xóm Đồng Màn, xã Bảo Cường, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên), cho biết: Tôi đã tham gia lớp học nghề điện tử điện lạnh được mở tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Định Hóa. Quá trình học, tôi được các cán bộ Trung tâm hướng dẫn, chỉ bảo tận tình. Sau khi tham gia lớp học, tôi đã áp dụng các kiến thức để mở một cửa hàng sửa chữa nhỏ ngay tại địa phương. Đến nay, cửa hàng đã có lượng khách ổn định và đi vào hoạt động khá hiệu quả.
Nếu trước đây cuộc sống của gia đình tôi chỉ trông chờ vào ruộng nương, thu nhập thấp và không ổn định, thì hiện nay, nhờ vào việc có kiến thức, kỹ năng thu nhập của gia đình đã tăng lên từ 15 – 20 triệu đồng/ tháng. Anh Hoàng bộc bạch.
Còn đối với chị Vương Thị Lê (xã Tân Thịnh, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên), chia sẻ: Tôi đã tham gia lớp đào tạo nghề may công nghiệp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Định Hoá đã tổ chức. Lớp học có 30 học viên là người DTTS, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Trong thời gian 3 tháng, chúng tôi được học kiến thức về kỹ thuật may công nghiệp, vận hành thiết bị may, may các đường may cơ bản, may áo sơ mi, quần âu, nguyên lý vận hành đảm bảo an toàn, tính năng, tác dụng và bảo quản một số thiết bị trên dây chuyền may công nghiệp…
Bên cạnh đó, mỗi học viên còn nắm được phương pháp thiết kế quần áo cơ bản, kiểm tra được sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu may công nghiệp, kỷ luật lao động và tác phong công nghiệp...
Sau khi kết thúc khóa học, mỗi học viên sẽ trải qua phần thi tay nghề, nếu đủ điều kiện sẽ được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp Chứng chỉ đào tạo nghề may công nghiệp và giới thiệu việc làm tại nhà máy may thuộc Cụm Công nghiệp Tân Dương.
Theo chị Lê, việc huyện tổ chức lớp đào tạo nghề và giới thiệu việc làm ngay tại địa phương có ý nghĩa lớn, không chỉ giúp lao động có thêm kiến thức, kỹ năng mà còn giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ. Từ đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cũng như giúp bà con cải thiện đời sống.
Hàng năm, trên địa bàn huyện Định Hoá có trên 2.200 lao động có việc làm mới. Trong đó, trên 2.000 lao động được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, trên 120 lao động được vay vốn, xuất khẩu lao động tại các thị trường chủ yếu, như: Đài Loan, Nhật Bản…
Trong thời gian tới, với nhiều cách làm hay, thiết thực, ý nghĩa, huyện Định Hoá mong muốn tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, để doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề và người lao động trực tiếp gặp gỡ, trao đổi thông tin thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động, góp phần hỗ trợ người lao động tìm được việc làm, doanh nghiệp tuyển dụng được nhân lực, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu lao động.