Các đại biểu tham dự Đại hội Thi đua yêu nước biểu dương người tốt, việc tốt trong đồng bào Công giáo tỉnh Sóc Trăng lần thứ VI (giai đoạn 2020-2025). Ảnh: Tấn PhátTỉnh Sóc Trăng hiện có hơn 70.000 giáo dân Công giáo sinh hoạt trong 53 cơ sở thờ tự (gồm 31 nhà thờ, 20 nhà nguyện, 13 điểm sinh hoạt tôn giáo tập trung, 2 dòng tu là Hội Dòng Mến Thánh Giá và Cộng đoàn Chúa quan phòng). Trong giai đoạn 2020 - 2025, phong trào thi đua yêu nước không ngừng được lan tỏa sâu rộng trong các giáo xứ, giáo họ, nhấn mạnh tinh thần chia sẻ và gắn bó với quê hương. Các vị linh mục, tu sĩ luôn là những tấm gương tiêu biểu trong việc hướng dẫn giáo dân sống đúng đường hướng của Giáo hội và luật pháp Nhà nước.
Nhằm khẳng định giá trị cao đẹp của bản thân và cộng đồng, đồng bào Công giáo đã tích cực tham gia các hoạt động chính trị, xã hội với phương châm “Kính Chúa yêu nước”, “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”, từ đó góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Giai đoạn 2020 - 2025, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đã đẩy mạnh triển khai các phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào công giáo trên địa bàn tỉnh. Trong đó đã tích cực triển khai thực hiện phong trào thi đua Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư sống tốt đời đẹp đạo với 4 nội dung và 30 tiêu chí cụ thể; nhiều xứ đạo đã có những mô hình hay, cách làm sáng tạo phù hợp tình hình địa phương như: xứ họ đạo tiên tiến, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, Tết của người nghèo, gia đình công giáo xây dựng nông thôn mới…
Đồng bào công giáo đã tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế; nhiều gia đình công giáo đã trở thành những tấm gương tiêu biểu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật, năng động trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được các linh mục, hội đồng mục vụ giáo xứ và cộng đoàn giáo dân tích cực hưởng ứng, qua đó đóng góp hàng chục tỷ đồng và hàng trăm ngày công xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Linh mục Trương Minh Hải, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, Chánh sở Nhà thờ Nam Hải cho biết: Người Công giáo Việt Nam nói chung và giới Công giáo tỉnh Sóc Trăng nói riêng, mỗi người chúng tôi luôn sống phương châm “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc, để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”. Chính vì thế, những gương người tốt việc tốt của các tập thể và cá nhân của đồng bào Công giáo tỉnh Sóc Trăng thực hiện thời gian qua được chúng tôi xem là những cành hoa nhỏ đầy hương sắc mong được góp một chút vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của đất nước, là chính vườn hoa chung của con người và dân tộc Việt Nam.
Nhiều tập thể, cá nhân được khen thưởng tại Đại hội thi đua yêu nước biểu dương người tốt việc tốt trong đồng bào công giáo, giai đoạn 2020-2025. Ảnh: Huỳnh PhươngTại Đại hội tham luận về người công giáo huyện Mỹ Xuyên tham gia xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế, vươn lên giảm nghèo cho thấy, trong giai đoạn 2020–2025, Ban Đoàn kết Công giáo huyện Mỹ Xuyên đã có nhiều đóng góp nổi bật trong xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế và giảm nghèo. Trên lĩnh vực kinh tế, đồng bào Công giáo tích cực chuyển đổi mô hình sản xuất, phát triển nuôi tôm – lúa công nghệ cao. Nhiều doanh nghiệp của giáo dân đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Các mô hình hợp tác xã cũng góp phần nâng cao thu nhập cho bà con. Trong xây dựng nông thôn mới, giáo dân sẵn sàng hiến đất, đóng góp kinh phí, xây cầu, làm đường và tham gia tổ an ninh tự quản…
Tại huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng trong 5 năm qua đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong công tác bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở, đặc biệt là tại các khu vực có đông đồng bào công giáo. Nổi bật trong số đó là hai mô hình: “Họ đạo Phương Hòa 1 tự phòng, tự quản về an ninh, trật tự” tại xã Hưng Phú và “Họ đạo Kinh Lý tự phòng, tự quản, tự hòa giải về an ninh, trật tự” tại xã Long Hưng.
Mô hình “Họ đạo Phương Hòa 1 tự phòng, tự quản” ở xã Hưng Phú (huyện Mỹ Tú), được hình thành trên nền tảng thành công trước đó từ nhà thờ Hậu Bối. Với hơn 1.400 giáo dân sinh sống, chiếm 86% dân số của ấp Phương Hòa 1, mô hình đã huy động sự tham gia tích cực của Linh mục, tu sĩ, Hội đồng mục vụ giáo xứ và bà con giáo dân trong việc giữ gìn trật tự địa phương. Thông qua các hoạt động tuyên truyền pháp luật, cảnh báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm kết hợp với rao giảng trong sinh hoạt tôn giáo, mô hình đã góp phần làm giảm rõ rệt tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân dân tộc và nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Còn tại xã Long Hưng (huyện Mỹ Tú), mô hình “Họ đạo Kinh Lý tự phòng, tự quản, tự hòa giải” không chỉ góp phần đảm bảo an ninh, trật tự mà còn thúc đẩy sự gắn kết giữa các tín đồ và những người không theo tôn giáo, xây dựng xóm làng yên bình, văn hóa. Với sự tham gia của 25 thành viên từ Ban chỉ đạo đến Tổ tự quản, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và Hội đồng mục vụ, mô hình đã đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa địa bàn trọng điểm phức tạp, đồng thời phục vụ cho mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.
Nhằm ghi nhận những đóng của đồng bào công giáo trong các phong trào thi đua yêu nước, tại Đại hội Thi đua yêu nước biểu dương người tốt, việc tốt trong đồng bào Công giáo tỉnh Sóc Trăng lần thứ VI (giai đoạn 2020-2025) Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã tặng Bằng khen cho 5 tập thể, 15 cá nhân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng tặng Bằng khen cho 6 tập thể, 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Đồng thời, Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã tặng Kỷ niệm chương Đồng hành cùng dân tộc cho 15 cá nhân.
Phát biểu tại Đại hội, bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng đã trân trọng ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp quan trọng, đầy ý nghĩa của các linh mục, tu sĩ, chức việc và toàn thể đồng bào công giáo trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Đồng thời mong muốn trong thời gian tới, các linh mục, tu sĩ, chức việc và đồng bào công giáo trong tỉnh sẽ tiếp tục phát huy tinh thần thi đua yêu nước, lan tỏa phương châm sống tốt đời, đẹp đạo; tích cực hưởng ứng các phong trào, cuộc vận động lớn của Trung ương và địa phương; phối hợp tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến từng giáo dân; phát huy tốt vai trò là cầu nối giữa chính quyền và đồng bào giáo dân trong việc giữ gìn, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bên cạnh đó, mỗi giáo xứ cần tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, lan tỏa truyền thống bác ái Kitô giáo; các cộng đoàn giáo dân tích cực thực hiện các hoạt động nhân đạo, từ thiện và phục vụ cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp, văn minh.