Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 66,3 triệu ca mắc và hơn 872.600 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 107.700 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã cập nhật hướng dẫn người dân đeo khẩu trang để ngăn chặn sự tấn công của virus SARS-CoV-2. Theo đó, cơ quan này cho biết, một số loại khẩu trang có khả năng bảo vệ người dân khỏi sự tấn công của virus SARS-CoV-2 cao hơn, đồng thời đưa ra một số chỉ dẫn mà người tiêu dùng cần lưu ý. Trong một tuyên bố, CDC Mỹ nêu rõ, khẩu trang là công cụ quan trọng ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 và nhấn mạnh dù đeo khẩu trang loại nào cũng tốt hơn là không đeo.
Nhà Trắng sẽ cho ra mắt một trang web mới vào ngày 19/1 để cung cấp 500 triệu bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 miễn phí tới tận nhà người dân. Mỗi hộ gia đình có thể đăng ký nhận 4 bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 từ lô hàng 500 triệu bộ xét nghiệm COVID-19 mà Chính phủ Mỹ đặt mua thêm để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm gia tăng trên cả nước do sự lây lan nhanh của biến thể Omicron . Người đăng ký sẽ nhận được các bộ xét nghiệm trong vòng từ 7 - 12 ngày. Ngoài ra, Nhà Trắng cũng sẽ triển khai một đường dây điện thoại để tiếp nhận yêu cầu từ những người không thể truy cập vào trang web đăng ký nhận bộ xét nghiệm nhanh.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 15/1, nước này ghi nhận 268.999 ca mắc mới. Như vậy, tổng cộng trên 37,1 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 486.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Hàng trăm nghìn người dân Ấn Độ vẫn tập trung ở sông Hằng để tắm nước thiêng trong lễ hội truyền thống, bất chấp số ca mắc COVID-19 đã tăng gấp 30 lần trong tháng qua. Mặc dù Chính phủ nước này đã sử dụng máy bay không người lái để giúp các tín đồ giữ khoảng cách, tuy nhiên nhiều người dân vẫn vi phạm các biện pháp phòng chống dịch, làm dấy lên nguy cơ đây có thể trở thành sự kiện siêu lây nhiễm.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 620.800 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 22,92 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Brazil đang phải hứng chịu sự gia tăng mạnh về số ca COVID-19 khi biến thể Omicron lan truyền khắp đất nước, gây áp lực lên các dịch vụ y tế và nền kinh tế. Số trường hợp được xác nhận mắc mới COVID-19 đã tăng gần gấp đôi kể từ tuần trước, với mức trung bình mắc mới trong 7 ngày qua tăng lên trên 52.000 ca/ngày. Mỗi ngày nước này ghi nhận khoảng 120 người tử vong. Nhu cầu về y tế tăng cao, các bệnh viện đang thiếu nhân lực do nhiều bác sĩ và y tá tự cách ly do mắc COVID-19. Biến thể Omicron cũng đang ảnh hưởng đến nền kinh tế Brazil lớn hơn, làm giảm 20% lực lượng lao động của nước này.
Brazil đã bắt đầu tiêm vaccine cho trẻ em từ 5-11 tuổi sau khi được giới chức y tế nước này cấp phép cách đây một tháng. Theo đó, hơn 20 triệu trẻ em tại Brazil đủ điều kiện để tiêm vaccine, miễn là có sự đồng ý của phụ huynh. Brazil sử dụng vaccine của hãng Pfizer-BioNTech để tiêm cho nhóm đối tượng này. Người bản địa và trẻ em có nguy cơ cao là những nhóm ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Phó Thủ tướng Nga Tatyana Golikova cho biết, giới chức nước này sẽ cấp giấy chứng nhận COVID-19 cho người dân, kể người nước ngoài, dựa trên kết quả xét nghiệm kháng thể. Việc cấp giấy chứng nhận sẽ được bắt đầu thực hiện từ ngày 1/2 tới. Người nước ngoài và người Nga tiêm vaccine nước ngoài cũng sẽ được cấp giấy chứng nhận COVID- 19 nếu có kháng thể và giấy này sẽ có giá trị trong vòng 6 tháng.
Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận thêm 27.179 ca mắc COVID-19 mới, 723 người tử vong. Kể từ đầu đại dịch đến nay, Nga đã có trên 10,77 triệu người nhiễm COVID-19, trong số này bao gồm hơn 320.600 người đã tử vong.
Các nhà nghiên cứu ở Anh cho biết, họ đã phát triển được một loại xét nghiệm PCR nhạy hơn, do đó phát hiện được một người dương tính với virus SARS-CoV-2 có còn khả năng truyền bệnh hay không.
Xét nghiệm PCR được sử dụng hiện nay phát hiện được virus SARS-CoV-2, nhưng cũng phát hiện cả những mảnh xác virus còn lại sau khi bệnh nhân đã qua thời kỳ truyền bệnh. Còn loại xét nghiệm mới phát hiện được virus còn hoạt động và có khả năng lây truyền hay không, từ đó rút ngắn thời gian phải cách ly của F0 nếu khả năng truyền bệnh không còn. Theo các nhà nghiên cứu làm ra xét nghiệm này, sau 5 ngày dương tính, chỉ còn 1/3 số bệnh nhân có tải lượng virus đáng lo ngại. Hiện Anh đã giảm thời gian tự cách ly của F0 xuống còn 5 ngày kể từ ngày có kết quả xét nghiệm dương tính.
Omicron dường như khiến trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh phải nhập viện cao hơn so với các biến thể trước đó. Đây là kết luận được đưa ra trong một nghiên cứu do các nhà khoa học Anh tiến hành. Biến thể Omicron đã lây lan nhanh chóng ở Anh và đẩy số ca mắc COVID-19 liên tục lập mốc "kỷ lục buồn". Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ nhập viện của trẻ nhỏ mắc COVID-19, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi, tăng lên trong 4 tuần qua. Theo đó, 42% số trẻ mắc COVID-19 phải nhập viện là dưới 1 tuổi, cao hơn so với tỷ lệ khoảng 30% trong các đợt bùng phát trước đó. Mặc dù vậy, hầu hết trẻ nhập viện có triệu chứng nhẹ.
Cơ quan Y tế quốc gia Pháp (HAS) đã chính thức phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 của công ty công nghệ sinh học Novavax của Mỹ. Theo HAS, dữ liệu từ các nghiên cứu khác nhau cho thấy, vaccine Nuvaxovid có hiệu quả cao, giúp giảm tới 90% các triệu chứng và có thể ngăn ngừa bệnh nặng lên đến gần 100%. Loại vaccine này có thể sử dụng để tiêm cho những người từ 18 tuổi trở lên, với khoảng cách giữa liều thứ nhất và liều thứ hai là 3 tuần.
HAS cho biết thêm, vaccine Novaxovid có thể sử dụng cho những người chưa tiêm liều vaccine nào hoặc không thể tiêm vaccine theo công nghệ mRNA. Dự kiến, Pháp sẽ nhận lô vaccine Novaxovid đầu tiên vào cuối tháng 1, theo đó nước này có thể triển khai tiêm từ tháng 2 tới. Theo kế hoạch, Pháp sẽ nhận được 3,2 triệu liều vaccine Novaxovid trong quý I/2022. Đến nay, Pháp đã cấp phép lưu hành 5 loại vaccine của các hãng Pfizer-BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson và Novavax.
Tại Israel, số ca mắc mới COVID-19 đang ở mức rất cao, trên 40.000 ca/ngày trên tổng dân số khoảng 9,5 triệu người. Số bệnh nhân COVID-19 chuyển nặng cũng đang có dấu hiệu gia tăng. Cụ thể, trong số 306 bệnh nhân trở nặng, có gần một nửa là chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19. Người trên 60 tuổi chiếm tới 35% số ca nặng. Kể từ đầu tháng 1 này, Israel bắt đầu triển khai tiêm bổ sung mũi vaccine thứ 4 ngừa COVID-19 cho người lớn tuổi và có nguy cơ cao. Tính đến nay, đã có trên 500.000 người dân nước này tiêm vaccine mũi thứ 4.
Philippines sẽ kéo dài thời gian áp đặt các biện pháp hạn chế phòng dịch tại vùng thủ đô Manila và các tỉnh khác tới cuối tháng 1. Đây được xem là biện pháp cần thiết mặc dù việc áp đặt các biện pháp phòng dịch đang làm gián đoạn các hoạt động kinh doanh và nhiều dịch vụ công. Biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn đang khiến Philippines phải đương đầu với đợt gia tăng số ca mắc mới COVID-19 cao chưa từng có kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Philipines đã ghi nhận 39.004 ca mắc mới trong ngày 15/1, mức cao nhất kể từ đầu dịch. Đến nay, tổng cộng trên 3,16 triệu người ở nước này đã nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm hơn 52.800 người thiệt mạng. Thứ trưởng Y tế Philippines, bà Maria Rosario Vergeire, cho biết, biến thể Omicron đang lan rộng trong cộng đồng ở vùng thủ đô Manila, khu vực gồm 16 thành phố với dân số hơn 13 triệu người. Bà Vergeire cảnh báo, số ca mắc mới COVID-19 có thể đạt đỉnh trong thời gian từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 tới. Quốc gia này đang có số ca nhiễm và tử vong cao thứ 2 ở Đông Nam Á (sau Indonesia), với hơn 3,16 triệu ca mắc và gần 53.000 ca tử vong.
Chính phủ Indonesia đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân từ 14 quốc gia có nhiều ca nhiễm biến thể Omicron, viện dẫn các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt tại Indonesia và tầm quan trọng của việc cho phép các hoạt động đi lại giữa các nước nhằm phục hồi kinh tế.
Người phát ngôn Lực lượng Đặc nhiệm chống COVID-19 thuộc Chính phủ Indonesia Wiku Adisasmito cho biết, quyết định trên được đưa ra do Omicron đã lan rộng ra 150/195 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Theo ông, việc duy trì lệnh cấm nhập cảnh sẽ gây khó khăn cho các hoạt động đi lại xuyên quốc gia vốn rất cần thiết để duy trì sự ổn định của đất nước và phục hồi kinh tế. Chính sách mở cửa cho du lịch quốc tế được đưa ra dựa trên kết quả cuộc họp ngày 10/1 và đã được ban hành trong thông tư của Lực lượng Đặc nhiệm chống COVID-19.
Campuchia bắt đầu triển khai tiêm mũi thứ 4 vaccine ngừa COVID-19 cho các nhóm ưu tiên ở thủ đô Phnom Penh trong bối cảnh biến thể Omicron lan rộng trong cộng đồng. Các nhóm này bao gồm nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch, quân đội, cảnh sát, người cao tuổi cùng các quan chức cấp cao.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho rằng, không có lựa chọn nào tốt hơn là tiêm vaccine phòng bệnh và thực hiện "3 nên, 3 tránh" theo khuyến nghị của Bộ Y tế nước này. Theo đó, 3 điều nên làm là đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và duy trì khoảng cách tối thiểu 1,5 m; 3 tránh là các không gian kín và hẹp, không gian đông người và tiếp xúc gần. Đến nay, khoảng hơn 85% dân số Campuchia đã tiêm 2 mũi và 27% dân số đã tiêm mũi 3.
Chính phủ Nhật Bản đã quyết định rút ngắn thời gian cách ly đối với những người tiếp xúc gần với các ca nhiễm biến thể Omicron. Đây là quyết định được đưa ra trên cơ sở nghiên cứu cho thấy, biến thể này có thời gian ủ bệnh ngắn hơn các biến thể khác.
Theo quyết định, những người tiếp xúc gần với các ca nhiễm biến thể Omicron trên các chuyến bay nhập cảnh vào nước này chỉ phải cách ly 10 ngày thay vì 14 ngày như trước đây. Quyết định trên được đưa ra sau khi có các báo cáo nghiên cứu khoa học về biến thể Omicron cho thấy, biến thể này thường có thời gian ủ bệnh là 3 ngày, ngắn hơn so với các biến thể thông thường khác.
Bên cạnh đó, một số ngành nghề tại Nhật Bản cũng được ưu tiên. Đối với những lao động thiết yếu như nhân viên y tế, nhân viên điều dưỡng, hay cảnh sát…, thời gian cách ly sẽ rút ngắn xuống còn 6 ngày, điều kiện là phải có xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 trước khi hết cách ly.
Tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở Nhật Bản, số ca mắc mới trong ngày 15/1 vượt ngưỡng 25.000 ca, mức cao nhất kể từ tháng 8/2021. Như vậy, đến nay nước này ghi nhận hơn 1,83 triệu ca mắc COVID-19 và 18.423 người tử vong.
Số ca mắc mới COVID-19 liên tục tăng cao do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron. Đáng chú ý, tại tỉnh Okinawa, nơi đặt phần lớn căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản, hơn 1.800 ca mắc mới đã được ghi nhận trong ngày 15/1, mức cao nhất từ trước đến nay. Kể từ tháng 11/2021, Nhật Bản áp dụng lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài, nhưng binh sĩ Mỹ vẫn được phép ra vào nước này với điều kiện phải thực hiện xét nghiệm và cách ly.
Ngày 15/1, chính quyền thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc thông báo đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron ở thành phố này, chỉ vài tuần trước khi diễn ra Olympic mùa Đông Bắc Kinh, dự kiến khai mạc vào ngày 4/2 tới. Lực lượng chức năng đã phong tỏa nơi làm việc và nhà của bệnh nhân và thu thập 2.430 mẫu xét nghiệm.
Nhà chức trách cũng cảnh báo Omicron có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong bối cảnh Tết Nguyên đán sắp diễn ra. Trước tình hình trên, nhiều chính quyền địa phương khuyến nghị người dân không rời khỏi nơi mình sinh sống nếu không thật sự cần thiết trong dịp nghỉ lễ. Hàng chục chuyến bay quốc tế và nội địa đã bị hoãn. Cũng trong ngày 15/1, ít nhất 6 thành phố của Trung Quốc đại lục ghi nhận các ca nhiễm Omicron. Trong 24 giờ qua, Trung Quốc đại lục ghi nhận 165 trường hợp mắc COVID-19 mới, trong đó có 104 ca lây nhiễm trong cộng đồng.