Theo chị N.T.T.L. (tên đã được thay đổi theo yêu cầu), ngay tại trang 10, phần Grammar, trong phần Present Simple ý nghĩa của câu phải là “dạng câu hỏi Wh- ở thì hiện tại đơn”, chứ không phải hai dạng song song nhau. Do vậy, cần phải viết là:… use Wh-questions in the Present Simple…
Hoặc ở Possessive’s Cấu trúc add something to something (thêm cái gì vào cái gì). Do vậy, nên dùng cấu trúc… add ’s to a noun…, chứ không phải add ’s onto a noun. Bên cạnh đó, proper noun (danh từ riêng) cũng là một loại danh từ nên không thể để “a noun or a proper noun”.
Cũng tại trang này, mục b, vì các động từ đã cho trong sử dụng 2 lần nên cần có (x2) trong ngoặc giống cách trình bày dạng bài tương tự ở các Unit.
Tiếp đến, tại trang 15, phần Possessive pronouns: “mine” and “yours”. “Mine” nên đẩy xuống cùng dòng với “and your” cho cùng một ý, tránh hiểu nhầm. “So” cần sửa thành “so that”. Việc sử dụng “so” trong trường hợp này mang nghĩa “để mà” không sai. Tuy nhiên, nó chỉ sử dụng trong văn nói, trong các tình huống không trang trọng. Nếu ở trong một cuốn sách và để tránh nhầm lẫn với “so” (mang nghĩa “nên”) thì nên viết đầy đủ là “so that”.
Tại trang 26, tại phần giải thích ngữ pháp “Present Continuous” từ “tense” ở đây không sai về mặt ngữ nghĩa và ngữ pháp, nhưng các bài sau nội dung về thì của động từ tương tự đều không sử dụng từ “tense”. Trong một cuốn sách cần có sự thống nhất.
Ngay đầu trang 28 và phần Speaking trang 29, cần thay đổi đổi describe someone’s character thành describe someone’s quality hoặc characteristics vì trong cùng bài với cùng một từ nhưng lại dùng hai nghĩa của nó, có thể khiến học sinh bị rối (character: nhân vật/ tính nết).
Với trang 45, từ “dish” trong bài Reading sử dụng với nghĩa “món ăn”, là một từ mới (trước đó, từ “dish” được học ở Unit 3 với nghĩa là “cái đĩa” trong phần wordlist) nên cần được đưa vào ở phần wordlist.
Tại trang 71, mục b, khi đặt trong câu, cần phải có mạo từ “the” đứng trước tên thì (in the Future Simple).
Phần wordlist trình bày cẩu thả, với lỗi dịch nghĩa sai không đáng có và trình bày khó nhìn.
Chị N.T.T.L. đặt ra câu hỏi về trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ chủ biên, tác giả bộ sách này có đủ năng lực và khả năng biên soạn SGK hay chưa?.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 của Quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của hội đồng quốc gia thẩm định SGK (ban hành kèm theo Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), thì người biên soạn SGK phải có trình độ được đào tạo từ đại học trở lên, am hiểu về khoa học giáo dục, có chuyên môn phù hợp với sách giáo khoa được biên soạn.
Vấn đề chị L. phân vân là, việc ông Võ Đại Phúc – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Education Solutions Việt Nam là người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm có vai trò là Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên bộ SGK sách i-Learn Smart World lớp 6 liệu có đảm bảo không?.
Theo chị L., người biên soạn SGK cần có kinh nghiệm thực tế trong giảng dạy, kinh nghiệm thực tế trong nghiên cứu khoa học. Sẽ ra sao nếu một người không có kinh nghiệm thực tiễn là người viết sách cho cả thế hệ học sinh học tập?.
Với một bộ SGK tồn tại nhiều sai sót như vậy, chị L. khuyến nghị các tỉnh/thành phố trong cả nước nên cân nhắc kỹ khi lựa chọn. Với các địa phương đã lựa chọn, phê duyệt cần xem xét lại. Không thể để học sinh phải học những thứ không hoàn chỉnh khi kiến thức dạy không đảm bảo sẽ để lại hệ luỵ rất nguy hiểm về sau.