Xuất phát từ TP. Vinh từ sáng sớm, nhưng phải đến cuối giờ chiều chúng tôi mới tới được trung tâm xã biên giới Mai Sơn, huyện Tương Dương, bởi cung đường gần 300km chủ yếu là đèo dốc, quanh co. Từ đây, đoàn phải chuyển sang “tăng bo” bằng xe máy để đi lên bản Phá Kháo. Đây là bản có 50 hộ với hơn 300 nhân khẩu đồng bào dân tộc Mông nằm trên triền núi cao của vùng biên giới Việt Nam - Lào.
Đến Nhà Văn hóa cộng đồng bản Phá Kháo đã thấy đông đảo chị em phụ nữ trong trang phục sặc sỡ của đồng bào Mông chờ đón đoàn. Tại đây, đoàn đã tặng quà cho Chi hội Phụ nữ bản; tặng 39 chiếc chăn ấm cho các gia đình hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Các thành viên trong đoàn đã tận tay trao tặng từng chiếc chăn ấm cho các hội viên phụ nữ, bởi đây là sự quan tâm, sẻ chia với những khó khăn của phụ nữ. Nhìn gương mặt các chị em háo hức, phấn khởi khi nhận quà của chương trình, chúng tôi ai cũng cảm thấy ấm lòng trong chiều Đông lạnh giá.
Rời xã biên giới Mai Sơn, đoàn tiếp tục hành trình để đến với xã Tri Lễ, huyện Quế Phong. Đây là xã có 16 bản, trong đó có 5 bản 100% đồng bào dân tộc Mông. Đoàn đã hành quân lên bản Pà Khốm để tặng quà cho chị em phụ nữ, học sinh mầm non và tiểu học tại điểm bản… Đoàn đã trao quà cho Chi hội Phụ nữ bản và hàng chục chiếc áo ấm cho các hội viên có hoàn cảnh khó khăn; trao quần áo ấm, áo đồng phục cho các em học sinh; tặng quà cho các em học sinh nghèo vượt khó…
Chị Nguyễn Thị Trang Hòa, Chủ tịch Hội LHPN TP. Vinh, chia sẻ: Thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” năm 2018, sau đợt lũ lụt gây thiệt hại nặng cho đồng bào miền Tây xứ Nghệ, trong thời gian rất ngắn chúng tôi đã tiến hành vận động, quyên góp kinh phí, vật chất và đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các doanh nghiệp, các tấm lòng hảo tâm, của hội viên phụ nữ 25 phường, xã trên toàn thành phố. Chúng tôi đã tặng quà trị giá 150 triệu đồng cho xã biên giới Mai Sơn, huyện Tương Dương và Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn chịu nhiều thiệt hại trong đợt lũ lụt. Năm nay, chúng tôi lựa chọn địa bàn bản Phá Kháo, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương và bản Pà Khốm, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong để tặng quà. Bởi đây là 2 bản có 100% đồng bào dân tộc Mông, đời sống đồng bào còn nhiều vất vả, khó khăn và chị em phụ nữ càng khó khăn, chịu nhiều thiệt thòi hơn nữa.
Đại tá Lê Như Cương, Chính ủy BĐBP tỉnh Nghệ An, nhấn mạnh: “Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại địa bàn biên giới Nghệ An đã phát huy truyền thống: “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” tốt đẹp của dân tộc, góp phần xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh”.