Vừa chia tách đã lại tái nhập?Ngày 25/5/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Việc xác định đơn vị hành chính cấp tỉnh/huyện/xã được căn cứ vào ba tiêu chí; trong đó có hai tiêu chí quan trọng là quy mô dân số và diện tích tự nhiên (tiêu chí thứ ba là tổng số đơn vị hành chính trực thuộc).
Kết quả rà soát của Bộ Nội vụ căn cứ theo tiêu chuẩn được quy định tại Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 cho thấy, cả nước hiện có 259/713 đơn vị hành chính cấp huyện chưa đạt 50% tiêu chuẩn, trong đó có 71 huyện miền núi, vùng cao. Cấp xã cũng có tới 6.191/11.162 đơn vị chưa đạt 50% tiêu chuẩn, trong đó có 1.922 xã miền núi, vùng cao.
Phân tích kỹ hai tiêu chí để thấy một thực trạng, các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đạt tiêu chuẩn có sự phân vùng rất rõ rệt. Nếu như ở khu vực trung du, miền núi, vùng cao, các đơn vị hành chính đều không đạt tiêu chuẩn về quy mô dân số thì ở khu vực đồng bằng, miền biển lại thiếu về diện tích tự nhiên.
Không chỉ cấp huyện, cấp xã mà với đơn vị hành chính cấp tỉnh, nhiều địa phương đang đứng trước tương lai sáp nhập lại với nhau. Nhiều tỉnh miền núi không chỉ thiếu tiêu chuẩn về quy mô dân số mà còn thiếu cả về diện tích tự nhiên.
Theo tiêu chuẩn đơn vị hành chính nông thôn được quy định tại Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13, một đơn vị hành chính cấp tỉnh thuộc miền núi, vùng cao phải có quy mô dân số từ 900 nghìn người trở lên, diện tích tự nhiên từ 8.000km2 trở lên; các tỉnh không thuộc miền núi, vùng cao thì diện tích phải từ 5.000km2 trở lên.
Đối chiếu theo quy định này với kết quả điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ (năm 2014) của Tổng cục Thống kê và Báo cáo số 1809/BC-BTNMT, ngày 15/5/2014 của Bộ Tài nguyên-Môi trường thì có hàng loạt tỉnh không đủ điều kiện. Chỉ riêng khu vực miền núi phía Bắc có 14 tỉnh thì chỉ duy nhất tỉnh Sơn La đủ tiêu chuẩn (diện tích 14.174,4km2, dân số gần 1,15 triệu người).
Đáng chú ý, cả 3 tỉnh được chia tách, thành lập mới năm 2004 (gồm: Lai Châu, Đăk Nông, Hậu Giang) đều không đủ tiêu chuẩn cả về diện tích và quy mô dân số. Cụ thể, tỉnh Lai Châu thừa về diện tích (9.068,8km2) nhưng dân số chỉ có 404,5 nghìn người; còn tỉnh Đăk Nông và Hậu Giang thiếu cả diện tích lẫn quy mô dân số. Điều này liệu có đồng nghĩa, sau 15 năm được chia tách, thành lập mới, 3 tỉnh này sẽ chuẩn bị tái nhập với đơn vị hành chính cấp tỉnh khác?.
Không nên máy mócTheo số liệu của Bộ Nội vụ, giai đoạn 1986-2016, số lượng đơn vị hành chính của nước ta tăng lên rất nhiều. Trong đó, đơn vị cấp tỉnh tăng từ 44 lên thành 63, cấp huyện từ 431 lên 713. Riêng với cấp xã, trong 30 năm đã tăng thêm 1.505 đơn vị (từ 9.657 lên 11.162 xã, bình quân mỗi năm tăng 50 xã).
Việc chia nhỏ đơn vị hành chính các cấp đã dẫn đến sự phân tán nguồn lực, chia nhỏ tiềm năng của địa phương, bộ máy thêm cồng kềnh, tăng biên chế… Những điều này làm tăng gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Do đó, hợp nhất các đơn vị hành chính dù cấp tỉnh, cấp huyện hay cấp xã trong từng giai đoạn đều nhằm mục đích nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, sắp xếp lại như thế nào là vấn đề không hề dễ dàng. Nếu chỉ căn cứ vào quy mô dân số và diện tích tự nhiên để thực hiện thì sẽ tạo ra một sự xáo trộn vô cùng lớn. Đó là chưa kể, dựa vào hai tiêu chí này để sắp xếp các đơn vị hành chính các cấp thì cũng chỉ là một “phép cộng” cơ học (gộp các đơn vị hành chính thiếu tiêu chuẩn về dân số, diện tích lại với nhau).
Một vấn đề cũng đáng quan tâm là, hấu hết các địa phương khu vực miền núi, có đông đồng bào DTTS sinh sống đều thiếu tiêu chuẩn của một đơn vị hành chính theo Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13, sẽ phải sắp xếp lại. Đây hiện là những địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, địa hình rộng, lại xa xôi, chia cắt. Khi tiến hành sắp xếp lại, có thể là sáp nhập, trong điều kiện thực hiện tinh giản biên chế thì liệu lực lượng cán bộ địa phương có đáp ứng được việc triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội hay không?
Câu hỏi này không thể không đặt ra bởi lâu nay, việc địa bàn rộng lớn, địa hình lại chia cắt là một trong những nguyên nhân khiến việc triển khai các chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Do đó, việc sắp xếp các đơn vị hành chính nói chung, ở khu vực miền núi, vùng cao nói riêng cần có sự cân nhắc kỹ càng.
SỸ HÀO