Không ai biết nghề đan lát xuất hiện ở làng Bao La có từ khi nào, chỉ biết rằng nói đến nghề đan thúng mủng thì Bao La là làng nổi tiếng từ xưa đến nay của cả vùng đất Huế. Hàng đan bằng tre, nứa của Bao La vừa đẹp vừa bền và nổi tiếng.
Loại tre mà người dân làng Bao La dùng để đan thúng mủng, các loại vật dụng gần gũi trong sinh hoạt gia đình và trong sản xuất nông nghiệp là loại một loại tre đặc biệt: thân thẳng, gióng dài mà bà con ở đây thường gọi là tre lồ ô. Mặc dù là một nghề phụ nhưng nghề đan lát đã thu hút mọi lứa tuổi lao động trong gia đình và trong thôn xóm. Người khỏe mạnh tìm mua, đốn tre và vận chuyển đưa về làng. Người già cưa tre, chẻ nan, vót lạt, trẻ em đan lát, phụ nữ gánh sản phẩm tỏa đi khắp các chợ ở làng quê, thành thị.
Ở làng Bao La, nghề đan lát được tổ chức sản xuất theo gia đình, theo xóm như: Xóm Chợ thì chuyên đan giần, sàng; Xóm Đông chuyên đan thúng, mủng; Xóm Chùa chuyên đan rá; Xóm Đình và Xóm Hóp chuyên đan rổ rá các loại; Xóm Cầu chuyên đan nia, thúng, mủng. Ngày nay, cùng với công việc đồng áng, bà con làng Bao La vẫn tiếp tục bắt tay vào nghề đan tre truyền thống của mình. Không chỉ vậy, bà con Làng Bao La còn tham gia vào sản xuất các đồ thủ công mỹ nghệ do Hợp tác xã mây tre đan Bao la đứng ra tổ chức và bao tiêu sản phẩm.
Cuộc sống hiện đại đã làm cho nghề đan lát truyền thống của làng Bao La tưởng chừng mai một. Nhưng cũng chính vì thế mà bây giờ ở làng lại xuất hiện nhiều sản phẩm mây tre đan mỹ nghệ mang dáng dấp hiện đại với các kiểu, loại bàn ghế bằng tre, kết bằng mây, giỏ xách, các kiểu lẵng hoa, các loại giá treo đèn trang trí... và một số mặt hàng phục vụ du lịch.
Theo thời gian, sản phẩm truyền thống đan lát của làng Bao La đã thay đổi theo. Nhưng sự thay đổi này bắt nguồn từ lòng yêu nghề, gắn bó với nghề từ đó tìm ra một hướng đi mới cho sản phẩm đan lát Bao La. Đây chính là cách tự làm mới, cải tiến của làng nghề để tồn tại và phát triển lâu dài...
BTK