Khi có bệnh, bà con nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị. (Trong ảnh: Bệnh nhân truyền dịch ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa).Bị say tàu xe nhiều ngày, không ăn uống được dẫn đến tình trạng suy nhược cơ thể nên bà Cao Thị Dung ở xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) đã tự ra tiệm thuốc mua 5 chai đạm về để cắm ven truyền cho mình. Mới truyền gần hết chai đầu tiên, bà Dung cảm thấy choáng, toát mồ hôi và khó chịu trong người. Người nhà đưa đến cơ sở y tế thì được chuẩn đoán sốc khi truyền đạm. Nhân viên y tế phải tiêm thuốc chống sốc và ổn định lại tâm lý rồi mới tiếp tục truyền đạm cho bà Dung.
Tương tự bà Dung, ông Cao Tùng ở xã Khánh Thành (huyện Khánh Vĩnh) bị ngộ độc thức ăn dẫn đến tình trạng tiêu chảy nhiều ngày. Người rệu rã không đi làm rẫy được, nghe người quen mách nước, ông Tùng tự mua natri clorid 0,9% và dung dịch ringer lactat (dung dịch Hartman) về đưa cho người thân của mình cắm vào tĩnh mạch để truyền. Truyền được vài tiếng thì cơ thể có biểu hiện lạ như choáng váng, phù toàn thân và đau ở phần bụng và các triệu chứng càng trở nên nặng hơn. Khi được chuyển đến BVĐK huyện Khánh Vĩnh thì chỗ ven ông Tùng tự truyền đã bầm tím. Các bác sĩ chuẩn đoán do truyền không chính xác ven, bệnh nhân không nắm được tính chất và tình trạng chính xác của bệnh nên bị rối loạn điện giải. Ở những trường hợp này, nếu không xử trí kịp thời rất dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, suy tim.
Theo ông Tùng, điều đáng báo động là không chỉ ông mà nhiều người dân khác, đặc biệt là người DTTS ở vùng sâu, vùng xa Khánh Vĩnh vẫn hay tự mua thuốc khi có bệnh mà không cần thăm khám hay kê đơn. Truyền dịch cũng vậy, người nọ chỉ người kia theo thói quen. Mệt thì truyền đạm, tiêu chảy thì truyền nước và natri clorid 0,9. Có người truyền xong thì khỏe hơn nhưng cũng có người phải đi viện cấp cứu.
Quanh năm bám ruộng rẫy, khi có bệnh, ông Sùng A Minh ở xã Cư Prao, huyện Ma Đ’răk (tỉnh Đăk Lăk) cũng tự ý mua đạm truyền khi cơ thể suy nhược nặng. Khi truyền gần xong thì ông bị sốc, phải chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đăk Lăk để điều trị.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Xáng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa thì khi có biểu hiện bệnh tật, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để khám, điều trị. Dù là các loại dịch thông thường cũng không nên tự ý truyền cho mình. Dịch có nhiều loại, phổ biến nhất là cung cấp đường, muối, điện giải, đạm... Ngay cả việc sử dụng thuốc Tây nhiều ngày cũng nên có chỉ định, kê đơn của bác sĩ.
ĐÔNG HƯNG