Tại phiên họp, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Theo Tờ trình, Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh Chương trình năm 2023 gồm 4 dự án luật: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản vào Chương trình năm 2023 trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và thông qua tại Kỳ họp thứ 7. Bổ sung dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng vào Chương trình năm 2023.
Đối với 3 dự án luật đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến gồm: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2023 và đã trình hồ sơ đầy đủ của 3 dự án. UBTV Quốc hội tán thành trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung 3 dự án luật này vào Chương trình năm 2023 và thống nhất với đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đối với tiến độ trình Quốc hội dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Trên cơ sở cân đối số lượng các dự án luật thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh dự kiến trình Quốc hội trong năm 2023, UBTV QUốc hội thống nhất với Chính phủ báo cáo Quốc hội cho đưa vào Chương trình để trình Quốc hội cho ý kiến về 2 dự án luật này tại Kỳ họp thứ 6, thông qua tại Kỳ họp thứ 7.
Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, UBTV Quốc hội trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 đối với 10 dự án, trong đó có 8 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Lưu trữ (sửa đổi), Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; và 2 dự án trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình tại một kỳ họp, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.
UBTV Quốc hội trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 đối với 9 dự án luật, bao gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật như tiến độ do các cơ quan đề xuất.
UBTV Quốc hội trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 đối với 2 dự án luật, bao gồm: Luật Chuyển đổi giới tính và Luật Việc làm (sửa đổi).
Thảo luận tại phiên họp, các Đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; đồng thời nhận định việc lập Chương trình xây dựng pháp luật ngày càng được nâng cao, các đề nghị xây dựng pháp luật ngày càng được xem xét thận trọng, chặt chẽ hơn; chất lượng hồ sơ ngày càng được vững chắc, quá trình tham gia thẩm tra đề nghị xây dựng luật của các cơ quan của Quốc hội ngày càng được tăng cường; đặc biệt hoạt động phản biện xã hội, ý kiến tham gia đóng góp của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật.
Một số đại biểu đề nghị Chính phủ cần tăng cường hơn nữa kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, nghiêm túc tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các bộ chủ trì đề xuất, Bộ Tư pháp, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội đồng hành ngay từ giai đoạn đầu của việc đề xuất xây dựng luật, kiên quyết không đưa vào Chương trình các dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ càng, chưa đủ điều kiện.
Kết luận nội dung thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, sau thời gian thảo luận tâm huyết, trí tuệ, dân chủ, cởi mở, đã có 21 lượt đại biểu phát biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã phát biểu cung cấp thêm thông tin với các đại biểu Quốc hội.
UBTV Quốc hội trân trọng ghi nhận và cảm ơn ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội, giúp UBTV Quốc hội nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, chuẩn bị báo cáo giải trình, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội để trình Quốc hội xem xét thông qua.