Gia đình chị Hoàng Thị Dung, thôn Khau Pưởng, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu là một trong số hộ dân thoát khỏi hộ nghèo nhờ Đề án 196. Chị vui mừng chia sẻ. “Tôi được cho vay vốn chính sách để chuyển đổi từ đất ruộng, vườn tạp sang trồng 100 gốc cam, hiện nay gia đình tôi đã có hơn 500 gốc cam đường canh, cho thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Gia đình đã thoát khỏi hộ nghèo, cuộc sống cũng được ổn định hơn trước”.
Giờ đây, hầu hết các thôn, xã ĐBKK đều có sự chuyển dịch tích cực, đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người tại vùng DTTS, miền núi tăng gấp 2 lần so với năm 2015. Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp được đầu tư và phát triển theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thị trường và có giá trị kinh tế cao… Tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh Quảng Ninh chỉ còn 12 xã, 8 thôn bản nằm trong diện ĐBKK. Các tiêu chí về đường ô tô được cứng hóa, cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và THCS, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế đều đạt 100%, trên 95% hộ dân ở xã ĐBKK được sử dụng điện lưới và nước sinh hoạt hợp vệ sinh…
Được đánh giá là một trong những Đề án đặc thù thành công nhất của tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua, ông Ngọc Thái Hoàng, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh cho biết: Hơn 2 năm thực hiện Đề án 196 đến nay, cơ bản đảm bảo yêu cầu, nhiệm vụ, tiến độ đề ra. Một số thôn, xã đăng ký thoát khỏi diện ĐBKK còn về đích sớm hơn lộ trình, mọi người dân đều đồng thuận tham gia thực hiện Đề án, góp phần tạo điều kiện đưa các xã, thôn hoàn thành Chương trình 135 vượt kế hoạch đề ra.
Tổng kinh phí đầu tư thực hiện Đề án được tỉnh Quảng Ninh phê duyện là hơn 1.340 tỷ, trong đó có hơn 900 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh. Tỉnh Quảng Ninh coi việc thực hiện Đề án 196 là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Các sở, ban, ngành phối hợp triển khai quyết liệt thực hiện đề án, trong đó có sự phân công rõ việc, rõ người, rõ trách nhiệm. Đặc biệt là việc phân cấp, trao quyền để các địa phương chủ động hơn trong việc triển khai, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đề ra.
Bên cạnh công tác chỉ đạo, tỉnh Quảng Ninh còn sử dụng nguồn vốn đầu tư cho các xã, thôn ĐBKK một cách linh hoạt, mức đầu tư cao hơn so với mức của Trung ương. Cụ thể, Đề án 196 của tỉnh đã bố trí bình quân mỗi xã lên đến 10 tỷ đồng (Trung ương là 1,5 tỷ đồng/xã). Việc bố trí vốn dựa vào tình hình thực tế của mỗi xã, thôn và tập trung hỗ trợ xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh, sản xuất và triển khai các mô hình phát triển sản xuất. Qua đó tạo động lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội và giảm nghèo bền vững.
Tỉnh đã ưu tiên bố trí vốn đáp ứng cho 100% nhu cầu phát triển sản xuất theo yêu cầu của từng địa phương. Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn 22 xã, 17 thôn ĐBKK đã có trên 6.000 hộ dân đăng ký thực hiện các mô hình phát triển sản xuất để thoát nghèo bền vững với hơn 160 dự án. Đáng chú ý hơn cả là đến nay đã có hơn 1.900 hộ nghèo và trên 600 hộ cận nghèo viết đơn xin thoát nghèo, vượt kế hoạch tỉnh đề ra.
Có thể thấy, nhờ sự linh hoạt, sáng tạo, việc thực hiện Đề án 196 tại tỉnh Quảng Ninh đã mang lại những hiệu quả tích cực. Với những nỗ lực tập trung mọi nguồn lực cho vùng DTTS, miền núi, việc tỉnh thực hiện mục tiêu đến hết năm 2019 không còn xã, thôn nằm trong diện ĐBKK là hoàn toàn có cơ sở.
NGHĨA HIỆP