Tại hội thảo, các nhà khoa học tái khẳng định những giá trị đặc sắc của Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới hai lần được UNESCO công nhận, đồng thời chỉ ra những tác động tiêu cực phát sinh từ hoạt động phát triển công nghiệp, khai khoáng, đô thị hóa, dịch vụ và du lịch, nông lâm nghiệp và thủy sản, giao thông thủy và hàng hải mà Di sản đang phải đối mặt.
Theo báo cáo trình bày tại hội thảo, dịp cao điểm, 5 tuyến tham quan Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đón khoảng 30.000 lượt khách mỗi ngày. Tuy nhiên lượng khách tham quan tập trung vào các tuyến 1, 2 và 5 với khoảng 25.000 lượt khách ở các cảnh điểm phổ biến như động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, hòn Chó Đá, hòn Gà Chọi và thường xuyên quá tải với khoảng 1.600 - 2.000 lượt khách mỗi giờ. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới môi trường, quá tải điểm đến, quá tải dịch vụ, mà còn khiến du khách có trải nghiệm không trọn vẹn.
Qua những báo cáo, nghiên cứu, các nhà khoa học đã đề xuất 5 nhóm giải pháp để quản lý, bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên: Phát triển hệ thống quản lý lịch trình tàu du lịch; tổ chức thời gian đến các điểm tham quan, phân vùng các khu vực trên Vịnh, phát triển hệ thống cảng biển, áp dụng mức trần giới hạn số lượng tàu thuyền trên Vịnh Hạ Long; áp dụng việc quản lý du lịch thông minh và tuyên truyền nâng cao nhận thức của du khách về việc bảo vệ môi trường di sản…; hướng tới mục tiêu phát triển bền vững về môi trường, thỏa mãn nhu cầu của du khách và bảo đảm hài hòa lợi ích cho tất cả các bên liên quan.
Hội thảo sẽ giúp các nhà quản lý đưa ra các giải pháp, kế hoạch hành động phù hợp với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Vịnh Hạ Long hội nhập với thế giới về phát triển bền vững, đặc biệt là khi Quảng Ninh đang xây dựng quy hoạch không gian phát triển tỉnh từ nay cho tới năm 2030, định hướng đến năm 2045.