Cụ thể: Đến hết ngày 30/6, phấn đấu giải ngân đạt trên 40% (trong đó kế hoạch vốn năm 2023 được cấp thẩm quyền kéo dài giải ngân đạt trên 50%); đến hết ngày 30/9 phấn đấu giải ngân đạt trên 60% (trong đó kế hoạch vốn năm 2023 được cấp thẩm quyền kéo dài giải ngân đạt trên 70%); đến hết ngày 31/12 phấn đấu giải ngân đạt trên 90% (trong đó kế hoạch vốn năm 2023 được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài giải ngân đạt 100%); và đến hết ngày 31/1/2025 sẽ giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn năm 2024.
Theo đó, đối với các dự án chuyển tiếp và dự án dự kiến hoàn thành năm kế hoạch, chủ đầu tư phải xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng công trình, dự án theo mốc thời gian cụ thể (tháng, quý, năm) và tuân thủ nghiêm kế hoạch. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiện trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ các dự án; thực hiện công tác nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn cho nhà thầu ngay khi có khối lượng; khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục quyết toán dự án hoàn thành gửi cơ quan tài chính các cấp thẩm tra, phê duyệt hoặc trình phê duyệt theo đúng quy định.
Đối với các dự án khởi công mới năm kế hoạch: Tập trung nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, nâng cao tính sẵn sàng hoàn thiện các thủ tục đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn, thi công bảo đảm dự án được triển khai đúng tiến độ đề ra.
Đối với các dự án sử dụng vốn ODA: Thường xuyên bám sát, phối hợp chặt chẽ với Bộ ngành liên quan, khẩn trương thực hiện các thủ tục đầu tư với Nhà tài trợ để triển khai thực hiện dự án; nhanh chóng hoàn thành các thủ tục điều chỉnh, bổ sung dự án; rà soát nhu cầu kế hoạch vốn nước ngoài năm 2024 để đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn (nếu có).
Đối với các dự án thuộc Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế xã hội: Do tầm quan trọng của Chương trình và tính chất đặc thù của các dự án đầu tư theo Chương trình cần được đầu tư hoàn thành trong năm 2024 để đáp ứng mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, vì vậy cần tập trung cao độ mọi nguồn lực để triển khai hoàn thành dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng yêu cầu.
Riêng đối với vốn giao cho các công trình, dự án thuộc Chương trình MTQG, khi phân bổ phải gắn mã số Chương trình MTQG (nếu vốn ngân sách Trung ương) và vốn dự phòng ngân sách địa phương (nếu vốn ngân sách tỉnh, cấp huyện, xã) theo đúng hướng dẫn của Sở Tài chính tại Công văn số 1378/STC-NS ngày 05/5/2023 về việc hạch toán mã dự phòng đối với dự toán nguồn vốn đối ứng ngân sách địa phương thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu: Các cấp phân công lãnh đạo trực tiếp phụ trách theo nhóm dự án và cử công chức, viên chức theo dõi tiến độ thực hiện dự án cụ thể; định kỳ tổ chức giao ban (kể cả giao ban tại công trình), kịp thời xử lý và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự án cụ thể. Đẩy nhanh công tác lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định pháp luật về đấu thầu, bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong đấu thầu; lựa chọn nhà thầu bảo đảm năng lực và kinh nghiệm để thực hiện dự án.