Cụ thể, năm 2023 hoạt động tín dụng chính sách đã giúp cho 3.012 lượt hộ nghèo, 3.568 lượt hộ cận nghèo, 1.628 lượt hộ mới thoát nghèo và 1.092 hộ gia đình tại các xã vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; giải quyết việc làm cho 13.115 lao động; gần 200 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và 15 người vừa chấp hành xong án phạt tù có việc làm; giúp 2.059 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đi học; xây dựng hơn 18.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Cùng với đó, hỗ trợ xây dựng 485 ngôi nhà ở xã hội cho các đối tượng; cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập; giúp cho 1.447 hộ DTTS có điều kiện sửa chữa cải tạo nhà ở, chuyển đổi nghề vươn lên ổn định cuộc sống...
Nguồn vốn tín dụng chính sách được cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, vốn vay được sử dụng đúng mục đích đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, hoạt động kiểm tra, giám sát được chú trọng, chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh không ngừng được củng cố và nâng cao.
Năm 2024, tỉnh Quảng Nam giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh năm 2024 cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh và Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện, thị xã, thành phố, để cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (60 tỷ đồng) và các chương trình khác theo Quyết định số 4122/QĐ-UBND ngày 23/11/2017 của UBND tỉnh (50 tỷ đồng), tổng số tiền 110 tỷ đồng.