Khó bền nếu không giữ
Những năm qua, cùng với hợp phần hỗ trợ sản xuất, những công trình hạ tầng được đầu tư từ Chương trình 135 đã tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Chương trình đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là hộ đồng bào DTTS trên các địa bàn thụ hưởng.
Nhưng có một thực tế là, hiện có không ít các công trình hạ tầng đã hư hỏng, xuống cấp. Ngoài do thiên tai, bão lũ thì công trình hư hỏng, xuống cấp do các cấp chính quyền địa phương chưa quan tâm, công tác DTBD và ý thức bảo vệ công trình của người dân sở tại cũng là vấn đề đáng bàn.
Đơn cử như cầu treo dân sinh ở bản Lam Khê, xã Chi Khê (Con Cuông, Nghệ An), được xây dựng từ năm 2005. Là cầu dân sinh nhưng vào vụ thu hoạch nông sản, trung bình mỗi ngày, cầu treo Lam Khê phải “cõng” trên dưới 30 chuyến xe đầu kéo nặng hơn 2 tấn đi qua.
Đó là chưa kể các chuyến xe trung chuyển nguyên liệu như keo, mét và lượng người lưu thông qua lại. Vì vậy, dù đã được sửa chữa hằng năm (từ nguồn DTBD của Chương trình 135 cấp cho địa phương) nhưng cầu treo Lam Khê hiện đã xuống cấp; mặt cầu đã bị mục nát, các ốc vít trên nền cầu đã bị mất, tạo thành những lỗ hổng trên nền cầu.
Hay như cầu treo bản Lau ở xã Thạch Giám (Tương Dương, Nghệ An); dù được đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng hiện công trình đã bị mất 70 nẹp băng, một số đoạn thép lan can bị mất do bị một số đối tượng... trộm bán sắt vụn! Theo đại diện lãnh đạo xã Thạch Giám, xã cũng đã nhiều lần cắt cử Công an viên, cán bộ thôn bản phục bắt các đối tượng trộm lan can cầu bản Lau nhưng chưa bắt được.
Ngoài ra, có không ít công trình hạ tầng 135 bị hư hỏng, xuống cấp do chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác DTBD. Thậm chí một số địa phương sử dụng sai mục đích kinh phí DTBD từ vốn Chương trình 135 được cấp hằng năm.
Theo hướng dẫn của Ủy ban Dân tộc (gần đây nhất là Thông tư 01/2017/TT-UBDT ngày 01/5/2017 quy định chi tiết thực hiện Dự án 2-Chương trình 135 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020) thì kinh phí hỗ trợ DTBD chỉ sử dụng cho sửa chữa nhỏ, tu bổ, bảo trì thường xuyên nhằm duy trì hoạt động bình thường của công trình, không sử dụng cho xây mới, nâng cấp, sửa chữa lớn công trình. Nhưng một số địa phương không tuân thủ quy định này.
Đơn cử như ở huyện Cao Lộc (Lạng Sơn), năm 2018, huyện được phân bổ 807 triệu đồng để DTBD các công trình trên địa bàn 14 xã ĐBKK. Nhưng huyện lại lựa chọn 2 công trình: tuyến đường Khuôn Chủ-Nưa Muồn thuộc xã Xuân Long và tuyến đường Khuổi Phiêng-Khuổi Đeng thuộc xã Mẫu Sơn để DTBD; phương pháp triển khai DTBD như thực hiện một dự án đầu tư.
Được “xây” thì phải quan tâm “sửa”
Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, ngoài huyện Cao Lộc thì một số địa phương cũng sử dụng kinh phí DTBD công trình 135 không đúng quy định. Như huyện Bắc Sơn, năm 2018 được phân bổ hơn 1 tỷ đồng để DTBD công trình tại 14 xã được hưởng Chương trình 135; nhưng huyện cũng chỉ phân bổ cho 2 công trình thuộc 2 xã (Nhất Tiến và Nhất Hòa), các xã khác không được phân bổ.
Hay huyện Chi Lăng có 7 xã ĐBKK, nhưng việc phân bổ kinh phí duy tu chỉ dồn cho 3 xã (Chiến Thắng, Văn An và Hữu Kiên). Tại huyện Văn Quan có 17 xã ĐBKK nhưng huyện cũng chỉ phân bổ cho 7 xã triển khai duy tu; 10 xã còn lại không được bố trí vốn để DTBD các công trình hạ tầng 135 trên địa bàn.
Theo ông Triệu Văn Lạng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn, qua kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc theo Thông tư 01/2017/TT-UBDT tại các huyện, Ban Dân tộc đã nhận thấy vấn đề này và đã nhắc nhở các huyện phải thực hiện đúng theo quy định. Nhưng nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng quy định của Ủy ban Dân tộc và thiếu công bằng giữa các xã được thụ hưởng.
Tình trạng phân bổ vốn DTBD công trình hạ tầng, thiếu công bằng giữa các địa phương không chỉ xảy ra ở Lạng Sơn mà còn ở một số địa phương khác. Như ở huyện Krông Nô (Đăk Nông), từ nguồn vốn của Chương trình 135, huyện đã đầu tư xây dựng 22 Nhà văn hóa cộng đồng tại 22 buôn, bon. Qua kiểm tra của Phòng Văn hóa-Thông tin huyện thì hầu hết các Nhà văn hóa cộng đồng đều hư hỏng ở những mức độ nhất định. Nguyên nhân do công tác quản lý và sử dụng chưa được quan tâm đúng mức. Các nhà văn hóa cộng đồng không được bố trí kinh phí để DTBD nên hư hỏng ngày càng nặng thêm.
Thực tế, các công trình hạ tầng thuộc Chương trình 135 đều được bố trí kinh phí DTBD. Theo quy định, vốn DTBD được sử dụng vốn sự nghiệp hỗ trợ từ ngân sách Trung ương của Chương trình 135, ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Báo cáo đánh giá kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trình bày trước Quốc hội ngày 23/10/2018 cho thấy, giai đoạn 2016-2018, Chương trình 135 đã đầu tư xây dựng 9.106 công trình. Đồng thời, Chương trình cũng đã bố trí kinh phí để DTBD 3.295 công trình.
Thiết nghĩ, để khai thác sử dụng hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng sau đầu tư ở nông thôn thì công tác DTBD phải được các địa phương quan tâm đúng mức. Các địa phương cần bố trí kinh phí kịp thời, đúng quy định khắc phục, sửa chữa những hư hỏng nhỏ của những công trình cơ sở hạ tầng; đồng thời tăng cường vận động người dân, nâng cao ý thức giữ gìn công trình. Có như vậy, tuổi thọ của công trình hạ tầng mới được kéo dài, góp phần khai thác tối đa lợi ích kinh tế-xã hội của công trình mang lại. Điều này là rất cần thiết không chỉ với các công trình 135 mà còn với những công trình của các chương trình, dự án khác.
SỸ HÀO