Nghe những người cao tuổi ở miền đất “Hà Tuyên” (Hà Giang-Tuyên Quang) kể lại, hàng chục năm trước, việc kiếm mấy chú cá chiên, cá lăng làm món đãi khách quý cũng không có gì khó. Những con sông Gâm, sông Lô là môi trường rất lý tưởng cho cá lăng, cá chiên sinh sôi, nảy nở. Vì thế, thi thoảng người ta lại được chứng kiến có người bắt được những chú cá chiên nặng 10, 20kg hay những chú cá lăng chấm “khủng”. Một số người gọi vui đó là những “chúa tể” của sông Gâm, sông Lô.
Cuộc sống phát triển với tốc độ ngày càng nhanh, đặc biệt là công nghiệp hóa, hiện đại hóa và tình trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến môi trường sống tự nhiên của các loài động, thực vật; trong đó có môi trường của cá chiên, cá lăng chấm.
Tác động đầu tiên có thể kể đến, là việc đánh bắt tận diệt bằng kích điện, dùng thuốc độc để đánh bắt cá (ruốc cá) trong nhiều năm qua của con người trên các dòng sông, khiến cho số lượng loài cá trong tự nhiên giảm đi rõ rệt.
Đặc biệt, những năm qua, tốc độ phát triển của những nhà máy thủy điện, với cả chục công trình thủy điện trên các dòng sông Lô, sông Gâm, sông Miện, sông Chừng, sông Nho Quế ở Hà Giang và Tuyên Quang đã trực tiếp tác động mạnh đến môi trường sống, sinh sản và tạo ra nguy cơ suy kiệt với những loài thủy sản quý, hiếm của vùng sông nước “Hà Tuyên”.
Trước nguy cơ biến mất của những loài thủy sản quý hiếm này, sau nhiều lần nghiên cứu thất bại, năm 2017, Trung tâm Thủy sản Hà Tuyên đã kỳ công nghiên cứu thành công cho sinh sản nhân tạo đối với 2 loài, cá lăng chấm và cá chiên với mẻ cá giống đầu tiên là hơn 1 vạn con.
Anh Vi Ngọc, Giám đốc Trung tâm cho biết; để thực hiện thành công việc sinh sản nhân tạo này, các cán bộ, nhân viên của Trung tâm phải kỳ công đi thu gom cá bố, mẹ từ các xã vùng sâu. Qua quá trình tuyển chọn, những cá bố, mẹ đạt chất lượng mới được chăm, thúc để sinh sản, nhân giống. Khó khăn nhất trong quá trình thực hiện nghiên cứu này là, quá trình nuôi vỗ cá con sau sinh. Đến khi ương giống ra ngoài môi trường ao nuôi, tất cả đều theo một quy trình rất khoa học, nghiêm ngặt.
Cho sinh sản được cá chiên, cá lăng chấm là tín hiệu rất vui cho những người nuôi cá chấm, cá chiên thương phẩm trên các con sông và lòng hồ thủy điện của Hà Giang và Tuyên Quang. Theo cán bộ Trung tâm Thủy sản Hà Tuyên cho biết, sau khi cá giống đủ lớn, một phần được bán, chuyển giao cho các hộ nuôi, một phần cá giống sẽ được thả về tự nhiên với hy vọng, góp phần làm tăng số lượng cá lăng, cá chiên trong tự nhiên.
Việc tái tạo nguồn lợi thủy sản có tính đặc hữu của “Hà Tuyên” không chỉ góp phần “trả nợ” cho các dòng sông đang ngày bị chia cắt bởi con người, mà song hành với đó là mục tiêu phát triển kinh tế rất khả quan. Bởi với điều kiện mặt nước của các lòng hồ thủy điện, các con sông của Hà Giang, Tuyên Quang hiện nay, việc cung cấp các giống cá quý như chiên, lăng với giá trị kinh tế cao sẽ góp phần quan trọng cho việc xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào DTTS nói riêng, phát triển và làm giàu từ nuôi trồng thủy sản trên dải sông Lô, sông Gâm nói chung.
HUY TOÁN