Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư
Phú Thọ là tỉnh miền núi trung du Bắc Bộ, nằm trong khu vực giao lưu giữa vùng Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng và vùng Tây Bắc. Toàn tỉnh có 50 thành phần dân tộc, tổng số trên 1,4 triệu người, trong đó DTTS chiếm 17,15%, chủ yếu là dân tộc Mường. Đồng bào DTTS sinh sống tập trung ở các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng và Thanh Thủy.
Thời gian qua, việc triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh được quan tâm chỉ đạo, thực hiện quyết liệt. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình MQTG tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025; thành lập Tổ công tác về Chương trình MTQG 1719.
Theo kế hoạch, Chương trình 1719 giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được phân bổ trên 1.177 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương trên 962 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 215 tỷ đồng. Tổng số vốn bố trí thực hiện chương trình giai đoạn 2021-2023 là trên 784 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã giải ngân trên 331 tỷ đồng (trong đó: vốn đầu tư phát triển gần 299 tỷ đồng; vốn sự nghiệp trên 32,6 tỷ đồng).
Cụ thể, với nguồn kinh phí được phân bổ, tỉnh Phú Thọ đã tập trung triển khai đồng loạt các dự án hợp phần. Theo đó, hàng trăm công trình thiết yếu đã được xây dựng; nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất cũng được triển khai tạo sinh kế cho người dân cũng như bảo tồn phát huy hiệu quả văn hoá truyền thống của đồng bào các DTTS…
Ghi nhận tại huyện Tân Sơn cho thấy, với tổng vốn đầu tư gần 89 tỉ đồng trong 3 năm, huyện đã đã đầu tư và đưa vào khai thác 31 công trình (trên tổng số 72 công trình theo kế hoạch), gồm: 19 công trình đường giao thông nông thôn, 9 công trình nhà văn hóa và 2 đập tràn qua suối, một hệ thống kênh mương nội đồng.
Các công trình được đầu tư đồng bộ đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân. Từ đó, tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Tương tự, tại Huyện miền núi Thanh Sơn, nơi có 32 dân tộc sinh sống, trong đó người DTTS chiếm hơn 61%, chủ yếu là dân tộc Mường, Dao. Bà Đỗ Thị Phương Hoa, Trưởng Phòng Dân tộc huyện cho biết: Giai đoạn 2022 - 2023, Thanh Sơn được phân bổ 219 tỉ đồng triển khai chương trình MTQG 1719. Từ nguồn kinh phí trên, kết hợp lồng ghép với nguồn kinh phí từ các Chương trình MTQG khác, huyện đã đầu tư xây dựng trên 159 công trình hạ tầng thiết yếu. Trong đó, làm mới trên 12km đường giao thông nông thôn, cải tạo, nâng cấp trên 159km đường, cứng hóa đường giao thông nông thôn trên toàn huyện đạt 75%; xây mới 46 chiếc cầu, làm mới bảy tràn, 241 công trình thủy lợi đầu mối… Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 6%, giảm 17% so với năm 2012…
Kịp thời tháo gỡ những vướng mắc
Với sự quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Chương trình MTQG 1719 đã tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống trong vùng đồng bào các DTTS và miền núi của tỉnh Phú Thọ.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Phú Thọ, đến nay, các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản của Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021-2025 đều đạt so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, mặc dù đã đạt được một số kết quả, quá trình triển khai Chương trình tại cơ sở cũng đã cho thấy phát sinh một số khó khăn và vướng mắc.
Cụ thể, việc thực hiện Chương trình MTQG 1719 còn gặp khó khăn, vướng mắc về cơ chế; quy định chưa đồng bộ, thống nhất; trùng lặp về nhu cầu, đối tượng. Những vướng mắc này khiến ngân sách Trung ương chậm phân bổ cho các địa phương, mức kinh phí không đủ đáp ứng yêu cầu tiến độ. Đặc biệt, ở 5/12 huyện, thành thị trong Chương trình, như Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Thanh Thủy, Đoàn Hùng, việc giải ngân nguồn vốn vẫn gặp nhiều khó khăn. Triển khai từng dự án vẫn đối mặt với vướng mắc, đòi hỏi sự nỗ lực và tìm kiếm cách tháo gỡ các khó khăn.
Bên cạnh đó, các nguồn lực từ chính sách dân tộc vẫn bị phân tán, việc kết hợp vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Đồng thời công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa thật sự chặt chẽ… cũng là những rào cản cần kịp thời tháo gỡ.
Nói về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết: Vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh đang đối mặt với nhiều khó khăn và nguồn lực từ Trung ương trong Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 có vai trò quan trọng trong đời sống nhân dân nơi đây. Tỉnh đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu cho phép tỉnh kéo dài nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG 1719 phân bổ năm 2023 sang năm 2024. Sớm sửa đổi, bổ sung một số nội dung còn vướng mắc tại Quyết định số 1719…
“Tỉnh cam kết triển khai quyết liệt, nâng cao tinh thần trách nhiệm, và bảo đảm hiệu quả nguồn vốn trong thực tế.” – Ông Dũng nhấn mạnh.
Được biết, trước đó, trong chuyến công tác kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chương trình MTQG 1719 tại tỉnh Phú Thọ vào cuối tháng 10/2023 mới đây, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc của tỉnh Phú Thọ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh đã giải đáp trực tiếp và đề nghị các đơn vị chức năng tiếp thu, tổng hợp đầy đủ để tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, tham mưu cho Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 tại cơ sở. Đồng thời, Bộ trưởng Chủ nhiệm UBDT cũng đề nghị tỉnh Phú Thọ tiếp tục quyết tâm cao, phát huy vai trò, sự tham gia, khơi dậy ý thức tự lực, tự cường của người dân để thực hiện chương trình MTQG 1719 đạt hiệu quả cao nhất.